Mẹ nạn nhân vụ 'quan tài diễu phố' ngất lịm tại tòa

Toàn cảnh phiên tòa sáng nay 5/9
Toàn cảnh phiên tòa sáng nay 5/9
TPO– Sáng nay (5/9), TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sở thẩm vụ án mạng chấn động dư luận xảy ra tại Quán Tiên, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) giữa tháng 3/2013. Mẹ nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh ngất lịm tại tòa.

> Hôm nay, xét xử vụ 'quan tài diễu phố'
> Vụ “quan tài diễu phố”: Nhà nạn nhân mong muốn gì ở phiên tòa?

Diễn biến phiên tòa vụ 'Quan tài diễu phố' qua ảnh

Toàn cảnh phiên tòa sáng nay 5/9
Toàn cảnh phiên tòa sáng nay 5/9.

Đến 17h25, HĐXX tuyên bố kết thúc phiên xét xử. Phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào 7 giờ 30 ngày mai (6/9), 

PHẦN XÉT HỎI

Buổi chiều, tòa xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Bính. Theo Bính, khi đuổi ra tới kênh, thấy Tú Phú Thọ (Phùng Đắc Tú) đang giữ Tuấn Anh. Tuấn Anh quỳ hai chân, chếch mặt ra hướng quốc lộ, tay ôm gáy. Tuấn trọc đấm đá vào người Tuấn Anh. Bính cũng đá hai phát vào vai Tuấn Anh. Tú đen đứng cách đấy 4-5m hô: “Chém chết nó đi”. Tuấn trọc can không cho chém. Sau đó, Tú hô bảo Bính cùng quay về. Bính không để ý sự việc tiếp theo sau đấy như thế nào.

Tòa hỏi: Khi bị cáo quay về, lúc đó người bị hại đang ở trên bờ hay dưới kênh? Bính đáp: Bị hại còn ở trên bờ. Bình cùng mọi người quay về, rồi đi ăn đêm và về ngôi nhà 4 tầng ngủ. Đến trưa 15/3, Định gọi Bính dậy lấy thức ăn. Đến 15h, Bính nhìn thấy rất nhiều người dân ra đứng xung quanh kênh nước nơi Tuấn Anh ngã nên báo mọi người. Bính gọi cho Tuấn vay 2 triệu đồng để bỏ trốn.

Luật sư Oanh hỏi bị cáo Phùng Mạnh Tuấn (Tuấn “trọc”): Bị cáo cho biết, hôm xảy ra đánh nhau, bị cáo ngã vào người Tuấn Anh, trời khô ráo hay mưa? Bị cáo Tuấn “trọc” trả lời: Trời mưa, nhưng bị cáo ngã khô ráo, không bị ướt.

Luật sư hỏi khi Tuấn Anh nhảy xuống nước, bị cáo nhìn thấy như thế nào? Tuấn “trọc” cho biết, Tuấn Anh nhảy đập mặt vào bờ kênh bên kia rồi chìm.

Luật sư Oanh hỏi tiếp bị cáo Phùng Đắc Tú: Lời khai trong các bản cung trước đó, bị cáo tự khai hay được công an cho xem bản cung của các bị cáo trước để chép? Tú cho biết, một số bản cung được công an cho xem rồi chép. Và có thể nhận định được bản cung nào là bị công an khai.

Luật sư Oanh đề nghị tòa cho đưa ra một số bản cung để bị cáo Tú nhận định nhưng tòa cho rằng chưa cần thiết. Luật sư Oanh cho rằng, nhiều bản cung và lời khai của các bị cáo y hệt nhau, do vậy, cần phải làm rõ. Tòa đề nghị luật sư phải tiếp tục các câu xét hỏi khác, việc làm rõ bản cung không thể chỉ đưa ra một vài bản đơn giản được.

Luật sư Oanh tiếp tục xét hỏi bị cáo Định, trước và sau hôm 14/3, bị cáo và anh Trần Khánh Dũng có liên lạc với nhau không? Bị cáo Định trả lời không. Sau đó anh Dũng gọi tôi bảo về cơ quan công an làm việc. Về việc khai trước đó, khi cán bộ điều tra hỏi xong, ghi chép vào bản cung thì họ đưa cho bị cáo chép lại.

Bị cáo Oanh tiếp tục xét hỏi bị cáo Tình. Tình cho biết, sau khi sự việc xảy ra cho đến trước khi bị cáo bị bắt, bị cáo không hề liên lạc với anh Trần Khánh Dũng. Còn về nạn nhân Tuấn Anh, bị cáo cũng không nhìn thấy Tuấn Anh bị ngã, bị trôi vào cống.

Việc các lời khai của bị cáo hôm nay trước tòa khác với khai tại cơ quan điều tra trước đó, Tình cho rằng, những lời khai trước đó là mình tự viết, không hề được “mớm cung”.

Luật sư Oanh hỏi bị cáo Đặng Quốc Tú cũng cùng nội dung như các bị cáo trước đó. Tú cho biết, không hề liên lạc với anh Trần Khánh Dũng và không hề có mớm cung.

Bị cáo Nguyễn Duy Hiệp khi được luật sư Oanh hỏi: “Khi đuổi theo nhóm đuổi đánh nạn nhân Tuấn Anh, không thấy nạn nhân đâu nữa, bị cáo có hỏi rõ sự việc thế nào không?”, Hiệp trả lời không. Hiệp có đi tìm dọc bờ kênh nhưng không hề biết nạn nhân có bị ngã xuống nước.

Bị cáo Hiệp cũng cho biết, chỉ khai một bản cung được Công an đọc cho bị cáo viết lại những lời mà họ đã chép khi hỏi cung mình.

Luật sư Oanh hỏi trung tâm giám định pháp y tỉnh Vĩnh Phúc: Cơ quan pháp y có trưng cầu giám định thời gian chết hay chỉ trưng cầu giám định nguyên nhân chết của nạn nhân? Đại diện này cho biết chỉ trưng cầu giám định nguyên nhân tử vong của nạn nhân.

Luật sư Oanh hỏi thêm một vài thông tin về hiện tượng dịch trong phổi của nạn nhân, được đại diện giám định pháp y Vĩnh Phúc trả lời đấy là kết quả giám định họ gửi nhờ bên Đại học Y Hà Nội xét nghiệm chính xác.

Trước đó, 15h30, chị Nguyễn Minh Thương (SN 1988 vợ nạn nhân Tuấn Anh) trình bày: “Sau khi chồng tôi chết thì chưa có gia đình bị cáo nào đến để bồi thường ngoài việc đến thắp hương”. Sau khi chồng chết, chị Thương phải một mình nuôi hau con nhỏ: 1 cháu trai sinh năm 2011, 1 cháu gái sinh năm 2013.

Trả lời HĐXX ông Phùng Quốc Hùng bố đẻ bị cáo Phùng Đắc Tú cho biết, gia đình đã nộp 10 triệu cho cơ quan công an để nhờ gửi cho gia đình nạn nhân để bước đầu khắc phục một phần hậu quả mà con của tôi gây ra.

Ông Đặng Văn Bình, bố của bị cáo Đặng Quốc Tú cho hay gia đình ông đã tự nộp 8 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

14h, Bị cáo Nguyễn Duy Hiệp (SN 1986 – em họ nạn nhân) khai nhận, sau khi xảy ra mâu thuẫn, nhóm của anh Tuấn “trọc” đuổi theo anh Tuấn Anh. Hiệp cũng chạy theo nhưng không kịp và cho rằng: “Ngay đêm hôm trước bị cáo không lường trước được sự việc, đến ngày hôm sau khi không thấy anh Tuấn Anh về lúc đó mới nghĩ Tuấn Anh gặp chuyện không ổn”, bị cáo khai.

13h30 phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi buổi chiều. Các bị cáo Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Bính đều khai nhận hành vi của mình có tham gia đánh nạn nhân.

11h35: Hội đồng xét xử tạm nghỉ, đến 13 giờ 30 chiều nay tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

11h15: HĐXX chuyển sang phần xét hỏi bị cáo Phùng Đắc Tú (SN 1994). Bị cáo này khai nhận, khoảng 23 giờ đêm 14/3, bị cáo vào quán ăn ở ngã tư Quán Tiên,ngồi uống rượu với 5 người (Tuấn, Tình, Định, Quốc Tú và Bính). Một lúc sau khi Hiệp và Tuấn Anh vào quán đã trò chuyện với Tú và phát sinh mâu thuẫn. Bị cáo Đắc Tú đã cầm dao và hô hào đồng bọn đuổi chém Tuấn Anh nhưng không đuổi được.

11h10: Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn khai: "Mục đích của bị cáo là cầm dao đuổi theo để chém anh Tuấn Anh, sau khi nạn nhân bị ngã xuống kênh nước bị cáo chạy sang bên kia để tìm nhưng không thấy gì cả".

Khi HĐXX hỏi "Bị cáo nhận thức hành vi như thế nào?", bị cáo Phùng Mạnh Tuấn thừa nhận: Bị cáo đã sai khi tham gia đánh nhau.

10h50: Đại diện Viện kiểm sát kết thúc phần đọc bản cáo trạng truy tố các bị cáo. Chủ tọa phiên tòa Đỗ Thế Bình tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi. Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992) được gọi lên xét hỏi đầu tiên. Trước những câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phùng Mạnh Tuấn khẳng định mình chỉ cầm dao đuổi theo nạn nhân chứ không đánh nạn nhân như bản cáo trạng mà đại diện Viện Kiểm sát công bố.

9h50: Kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS đọc bản cáo trạng truy tố các bị cáo.

9h25: Chủ toạ công bố thành phần HĐXX gồm: Thẩm phán Đỗ Thế Bình chủ toạ; Thẩm phán Hoàng Thanh Trà; Các hội thẩm nhân dân: Nguyễn Thiệu Minh – Giáo viên, Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Nguyễn Xuân Mai; Các kiểm sát viên: Dương Bắc Thái, Bùi Văn Dũng.

9h5: Bà Nguyễn Thị Hải, mẹ nạn nhân Tuấn Anh lịm đi, sau khi người nhà xoa bóp đã tỉnh lại nhưng vẫn còn mệt nên bà Hải đã uỷ quyền cho con mình tham dự phiên toà và chỉ ngồi nghe.

9h: Kết thúc phần xét hỏi căn cước các bị cáo. Chủ toạ đang đọc các quyền của các bị cáo. 6 bị cáo trong vụ án này không mời luật sư nhưng do khung hình phạt mà các bị cáo này đối diện lên đến tử hình nên được chỉ định các luật sư. Cụ thể: LS Nguyễn Văn Tiến bào chữa cho Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Đắc Tú; LS Lê Văn Gôi: bào chữa cho 4 bị cáo còn lại.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983) cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992) cùng ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc và Đặng Quốc Tú (đăng ký thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Bình (tức Bính "cong", SN 1997) cùng ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 6 bị cáo này bị truy tố về tội “Giết người”.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiệp (SN 1986, ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, em họ nạn nhân) bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm và Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992, trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị truy tố về tội Che giấu tội phạm.

Trước đó, ngay từ sáng sớm, dù trời mưa khá to nhưng người nhà nạn nhân, người nhà bị cáo, người dân lân cận và phóng viên các báo đài đã có có mặt rất đông trước cổng TAND tỉnh Vĩnh Phúc để làm thủ tục tham dự, theo dõi phiên tòa. An ninh được siết chặt, bảo vệ nghiêm ngặt ngay từ đường lớn vào trụ sở tòa án.

Vừa bước tới cổng tòa, mẹ nạn nhân Tuấn Anh cùng những người thân trong gia đình đã không kìm chế được cảm xúc, gào khóc khiến lực lượng an ninh phải tới giải thích, ổn định chỗ ngồi.

Chị Nguyễn Minh Thương (SN 1988, vợ nạn nhân) cũng bế con gái út mới 5 tháng tuổi tới dự tòa.

Gần 8h, chiếc xe chở phạm nhân tiến vào trong sự dõi theo của hàng trăm ánh mắt hiếu kỳ. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo đã thực hiện xong các thủ tục tham dự phiên tòa theo quy định.

Chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm là thẩm phán Đỗ Thế Bình. Luật sư bào chữa quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh là bà Lê Thị Oanh (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, TP Hà Nội).

Vừa bước vào tòa, gia đình nạn nhân đã bật khóc trước cái chết đau đớn của con em mình
Vừa bước vào tòa, gia đình nạn nhân đã bật khóc trước cái chết đau đớn của con em mình.

Sau phần kiểm tra căn cước, lý lịch các bị cáo và người liên quan, gần 9h, đại diện Viện kiểm sát nhân dân - giữ quyền công tố tại phiên tòa - tuyên đọc bản cáo trạng vụ án.

Theo cáo trạng số 39/KSĐT-P1A của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nạn nhân là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, trú tại Phố Cả, phường Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bị chết sau khi uống rượu và xô xát với nhóm người ăn đêm tại Quán Tiên thuộc địa bàn phường Hội Hợp.

Các bị cáo trong phiên tòa
Các bị cáo trong phiên tòa.

Theo cáo trạng, tối 14/3, sau khi ăn liên hoan cùng công ty, Tuấn Anh và Hiệp đi hát karaoke cùng bạn bè và uống rất nhiều rượu, bia. Trên đường Hiệp chở Tuấn Anh về, đến ngã tư Quán Tiên, cả hai rẽ vào quán bên đường ăn đêm.

Tại đây, Hiệp gặp nhóm bạn nên cùng Tuấn Anh lại chào hỏi và xảy ra xích mích. Tuấn Anh thấy tình hình căng thẳng nên bỏ chạy dọc quốc lộ 2A theo hướng từ TP Việt Trì về phía ngã tư Quán Tiên thì Tuấn “trọc”. Phùng Đắc Tú cùng Đặng Quốc Tú, Tình, Định và Bính lấy dao trong quán lần lượt đuổi theo.

Tuấn Anh chạy ra đến ngã tư Quán Tiên thì vấp ngã nên Tuấn “trọc”, Định, Tình đuổi kịp, dùng chân, tay đấm đá vào vai, ngực nạn nhân. Tuấn Anh vùng dậy, nhảy xuống kênh, lội sang phía bờ kênh, nhưng vẫn không thoát, nên chỉ biết ôm gáy trước "mưa" đòn của các đối tượng này.

Trong lúc Tuấn Anh bị đánh thì Nguyễn Duy Hiệp cũng chạy theo và có mặt trên đường tỉnh lộ 305, bên bờ kênh, đứng cách nơi Tuấn Anh bị 4 đối tượng trên đánh khoảng 4 mét. Hiệp chứng kiến toàn bộ sự việc.

Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Văn Định ở phía bờ kênh phải nhìn thấy Tuấn Anh bị Tuấn “trọc” đạp ngã xuống kênh thì cầm gạch ném với theo. Sau khi soi đèn kiểm tra không thấy Tuấn Anh ngoi lên, đoán nạn nhân đã chết, 6 đối tượng bỏ về.

Sau khi các đối tượng này đi khỏi, Hiệp lấy xe máy của Tuấn Anh đi dọc bờ kênh để tìm Tuấn Anh song không thấy. Hiệp cũng mượn điện thoại gọi vào số Tuấn Anh song không liên lạc được nên về nhà ngủ.

Thi thể Tuấn Anh được tìm thấy vào 8h30 sáng ngày 17/3 tại cống kênh 2B phường Hội Hợp. Sau đó, kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc nêu nguyên nhân cái chết của nạn nhân: “Ngạt nước, trên nạn nhân có chấn thương do vật tày gây nên”.

Bản giám định pháp y của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cũng kết luận: “Nguyên nhân do ngạt nước, trên người có chấn thương vùng lưng và gối trái. Tổn thương ở vùng lưng và gối trái do vật tày gây nên”.

Sau khi có cáo trạng số 39/KSĐT-P1A của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 4/7, khoảng 30 người nhà nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh đến trước cổng trụ sở Bộ Công an (ở Hà Nội) để đưa đơn kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức.

Theo Viết
MỚI - NÓNG