Ám ảnh của học sinh 9 tuổi bị cha bạo hành

Ông Trần Thới khai nhận hành vi bạo hành trước cơ quan Công an huyện Tư Nghĩa
Ông Trần Thới khai nhận hành vi bạo hành trước cơ quan Công an huyện Tư Nghĩa
"Ba túm tóc bắt cháu quì rồi lấy cây mì to đánh khắp người. Gãy cây đó ba lại lấy cây khác... Khi các chú công an đến ba bảo cháu chạy trốn ở chân cầu", Tự kể lại việc bị cha ruột đánh nhập viện.

> Cha bị bắt vì đánh con chín tuổi nhập viện

Bà Phan Thị Lên bên con trai Trần Tự bị chồng đánh tơi tả phải nhập viện cấp cứu
Bà Phan Thị Lên bên con trai Trần Tự bị chồng đánh tơi tả phải nhập viện cấp cứu.

Ngồi co rúm người trên giường ở khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, đôi mắt bầm tím của Trần Tự vẫn chưa hết sợ hãi vì những trận đòn roi của cha ruột là ông Trần Thời (41 tuổi) giáng xuống thân thể nhỏ bé của em.

Các bác sĩ cho biết, Tự không chỉ bị thương bầm tím ở mắt, cổ, phần mông, lưng, hai đùi, hai tay mà trên đầu còn có nhiều vết thương cũ, mới chi chít. "Cháu không còn nhớ đã bị ba đánh bao nhiêu lần. Nhưng từ ngày mẹ đưa chị gái vào Nam sống, ba đánh cháu nhiều hơn", Tự lí nhí nói.

Trận đòn mới đây nhất là trưa 15/6, vì Tự mải chơi bên nhà hàng xóm, quên nấu cơm trưa nên khi về bị cha đánh nhừ tử. "Ba túm tóc bắt cháu quì rồi lấy cây mì to đánh khắp người. Lúc đầu ba quất vào mông và lưng cháu làm cây bị gãy. Ba lại lấy cây khác đánh vào đầu, cổ khiến cháu choáng váng. Sau đó, ba bảo cháu ra ngoài nắng đứng đến mỏi chân rồi mới được vào nhà tắm. Đang ăn cơm, thấy các chú công an đến, ba bảo chạy về phía chân cầu gần nhà trốn", Tự kể.

Bé trai Trần Tự (9 tuổi) bị cha đánh đập tàn bạo
Bé trai Trần Tự (9 tuổi) bị cha đánh đập tàn bạo.

Cậu bé 9 tuổi bảo, sợ nhất là những lúc ba tức giận, gào lên rồi dùng bàn tay chai sần tát thẳng vào mặt khiến mắt mũi tối sầm. Mỗi lần đến lớp Tự cũng không dám chơi đùa với các bạn vì sợ mọi người thấy những thương tích hỏi han thì sẽ bị ba lại đánh đòn nhiều hơn.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Kim Lên (trường Tiểu học Nghĩa Điền) giọng bức xúc khi cho biết cậu học trò chăm ngoan, học giỏi của mình liên tục bị cha ruột đánh bầm mặt, mắt bị tụ máu... Đến lớp Tự hay cứ cúi gằm dưới mặt bàn, hỏi mãi thì em mới bảo bị ba đánh. "Những ngày hè tôi động viên cháu đến nhà bồi dưỡng thêm để khỏi bị ba đánh đập. Nhưng cháu bảo cha không cho đi", cô Lên nói.

Hay tin con trai bị chồng cũ đánh đến nhập viện, bà Phan Thị Lên hối hả đón xe từ Kiên Giang ra Quảng Ngãi thăm con. Nhìn thấy Tự nằm co ro trên giường bệnh, bà chạy đến ôm chầm lấy cậu bé, nước mắt ngắn dài. "Tội nghiệp con tôi, suốt một ngày đêm ngồi trên xe đò tôi cứ phập phồng sợ hãi, sợ con không sống nổi vì những trận đòn roi của cha nó", bà Lên nói.

Bà kết hôn với ông Thới từ 18 năm trước và có ba người con gồm Trần Thị Hậu, Trần Thị Nhơn và Trần Tự. Cách đây 4 năm, trong một lần theo cha lùa trâu qua sông bé Hậu bị chết đuối.

"Hôm đó ông Thới về nhà một mình bình thản ngồi ăn cơm. Tôi hỏi bé Hậu đâu thì ông ta trả lời tỉnh bơ 'nó sụp hố chết dưới sông rồi'. Tôi tá hỏa, gào thét bà con tìm kiếm thì tìm thấy thi thể con dưới hốc tre dưới sông", bà Lên nghẹn ngào.

Sau cái chết của con gái, ông Thới bắt đầu trở nên cộc tính thường xuyên đánh vợ con vô cớ. Lúc thì dùng cây tre, búa, khi thì dùng nắm đấm đánh con không thương tiếc.

"Mỗi lần tôi can ngăn cũng bị đánh tơi tả, ổng dọa nếu còn can ổng sẽ đánh con chết mới thôi. Bây giờ thấy khúc cây là tôi bị ám ảnh, đôi chân quýnh quáng muốn chạy trốn", giọng bà Lên run rẩy.

Theo bà Lên, nhiều lần bị chồng đánh máu ra lênh láng nhưng ông Thới cấm kêu khóc, cầu cứu hàng xóm. Không chịu nổi cực hình đòn roi, tháng 9/2009, nghe lời khuyên của người chị chồng tốt bụng, bà quyết định gửi đơn ly hôn.

Ông Thới giành quyền nuôi con trai út là Trần Tự, còn bà nuôi đứa con gái còn lại. Cuộc sống ở quê nhà cơ cực, bà Lên đành đưa con vào tận Kiên Giang đi làm thuê, bán bánh tráng dạo kiếm sống qua ngày.

Nhiều lần trở về đưa con trai vào Nam nuôi nấng nhưng ông Thới giằng co, nhất định không cho. "Mỗi lần nghe con trai bị chồng đánh bị thương là tôi như đứt từng khúc ruột. Mong cơ quan pháp luật xử lý nghiêm người cha tàn độc, mất hết tính người này, trả lại bình yên cho mẹ con tôi", bà Lên kiến nghị.

Ông Trần Thới khai nhận hành vi bạo hành trước cơ quan Công an huyện Tư Nghĩa
Ông Trần Thới khai nhận hành vi bạo hành trước cơ quan Công an huyện Tư Nghĩa.

Bà Lê Thị Bích Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa xác nhận, nhiều năm qua ông Thới thường xuyên đánh đập vợ con gây thương tích. Nhiều lần chính quyền địa phương mời lên kiểm điểm, nhắc nhở nhưng đâu lại vào đó. Thời gian gần đây, ông Thới liên tục đánh cháu Tự bị thương, khi đến nhà thì ông giải thích những vết bầm trên cơ thể con trai là do "vật dụng" trong nhà rơi trúng.

"Chúng tôi đang tập hợp vụ việc, người dân địa phương cũng bức xúc đồng loạt kiến nghị Công an huyện Tư Nghĩa khởi tố vụ án, xử lý nghiêm ông Thới vì bạo hành gia đình trong nhiều năm dài", bà Loan cho biết.

Sau khi bị bắt khẩn cấp vì bị cho là bạo hành con ruột, tại cơ quan điều tra, ông Thới thừa nhận đã dùng hai cây mì đánh con trai "vì không chịu nghe lời, ham chơi".

"Đây là lần đầu tiên tôi đánh con, những lần trước chỉ hăm dọa nếu không nghe lời sẽ giết chết mà thôi. Tôi biết mình sai rồi, chỉ vì trong lúc nóng giận tôi không kiểm soát hành vi của mình nên mới mạnh tay như vậy", ông Thới nói và cho biết sở dĩ hay nóng giận bất thường là do cả gia đình "cô lập", muốn ông lâm vào "đường chết". Còn vợ đã bỏ ông đi theo người khác để có cuộc sống sung sướng hơn nên ông hận đời.

Theo Trí Tín
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.