> Ma túy đưa 'ông cử' vào lao lý
> Tử tù chờ... thuốc chết!
Đối tượng Đỗ Huy Hoàng (37 tuổi, trú tại Cầu Tó, Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội) bị cơ quan điều tra bắt giữ ngày 3/4 trong chuyên án triệt phá đường dây ma túy. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Đút lót cực khủng hoặc liều chết
Là điều tra viên thụ lý chính nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, Đại úy Hà Mạnh Trung, công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47)- Công an tỉnh Hưng Yên - hiểu rõ nguyên nhân khiến nhiều kẻ lao vào buôn "cái chết trắng".
Theo Đại úy Trung, ma túy dễ cất giấu, vận chuyển, tẩu tán hoặc tiêu hủy nên các đối tượng nghĩ dễ "làm ăn". Nhiều người sử dụng ma túy, sau đó thành con nghiện, phải vận chuyển để phục vụ nhu cầu của chính mình.
Nhiều năm trong nghề, Đại úy Hà Mạnh Trung cùng đồng đội trực tiếp thụ lí điều tra, khám phá nhiều vụ án, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy cực lớn. Trong số đó phải kể đến vụ trùm ma túy khét tiếng biệt danh Tăng “cụt” sa lưới vì mê gái đẹp.
Theo Đại úy Trung, không ít vụ án ma túy mà con nghiện mang rất nhiều tiền đút lót, mua chuộc Công an. Số tiền đó có thể đảm bảo cho người thi hành công vụ và gia đình sống cả đời.
Song, theo quy định của pháp luật và từ chính lương tâm của chiến sĩ công an nhân dân, khi thụ lý điều tra bất kỳ vụ án nào cũng phải khách quan, thận trọng để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu để xảy ra trường hợp oan sai, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm về mặt pháp luật, còn bị chính tòa án lương tâm của mình phán xử.
Cũng không ít vụ như bắt đối tượng nhiễm HIV ở Khoái Châu mới đây, do Đại úy Trung trực tiếp thụ lý. Khi bị các trinh sát đuổi bắt, đối tượng chống trả quyết liệt. Trong quá trình khống chế con nghiện, một số trinh sát bị tên này cào chảy máu, rất may không bị lây nhiễm HIV.
Cai nghiện – hành trình nan giải
Đại úy Hà Mạnh Trung cũng thừa nhận, cai nghiện cho những đối tượng dính đến ma túy vô cùng khó khăn. Khó khăn đến từ chính bản thân người nghiện, không đủ quyết tâm và bản lĩnh.
Chưa dừng lại ở đó, sự kỳ thị, phân biệt của xã hội, môi trường sống, không có công ăn việc làm cũng là những hàng rào ngăn cản cai nghiện ma túy thành công. Nhiều trường hợp bố mẹ bị bắt vì dính vào ma túy, bỏ lại con cái bơ vơ. Sau cùng, những đứa con của họ cũng bị bạn bè rủ rê, nghiện ngập.
Có trường hợp như anh H., người làng Phú Đô (huyện Từ Liêm, Hà Nội), từng đi tù vì dính vào ma túy. Được thả trở về với cuộc sống thường ngày, anh H. phải làm thuê đủ nghề, từ phụ hồ, lắp đặt cửa kính, đường ống nước, dây điện.
Những lúc lên cơn nghiện, anh H tự xích mình trong nhà. Thậm chí, anh còn chui vào lồng sắt, nhờ người nhà khoá chặt để quyết cai bằng được.
Một thời gian sau, anh H. bỏ được ma túy, lấy vợ và chú tâm làm ăn. Tuy nhiên, con đường hoàn lương của anh quá bấp bênh. Anh H. vay ngân hàng khoảng 200 triệu để nuôi gà. Đàn gà đang béo tốt thì dính dịch cúm gia cầm.
Vẫn nuôi quyết tâm làm giàu, anh H. vay tiếp tiền nuôi lợn. Trớ trêu thay, đàn lợn sau đó bị dịch lợn tai xanh.
Đang khó khăn chồng chất, vợ anh H. sinh con, lại bị hở van tim. Anh H. phải bán hết nhà cửa, ra dựng lều cạnh bờ sông Tô Lịch sinh sống. Thế rồi, nghèo đói, buồn chán, anh H. lại tiếp xúc với các con nghiện khác, quay lại với "đường cũ".