Trong quá trình xét xử, giả thiết có các tình huống gây rối, tấn công tại tòa, chủ tọa phiên tòa phải làm gì để phòng ngừa, thưa bà?
Chúng tôi luôn có lực lượng bảo vệ thường trực. Bên cạnh đó, còn có lực lượng dẫn giải tại các trại tạm giam và lực lượng hỗ trợ tư pháp.
Khi thụ lý vụ án, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa phải dự liệu được các tình huống liên quan. Giả sử đó là những vụ án giết người, cướp tài sản, đòi nợ thuê, các bị cáo từng có nhiều tiền án, tiền sự, chủ tọa phải đề xuất lực lượng hỗ trợ tư pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các tình huống xấu có thể phát sinh.
Có những phiên xử, khi kiểm sát viên kết luận vụ án, luật sư thì mang điện thoại ra nhắn tin, chiến sỹ cảnh sát thì khoanh chân trên ghế. Bà nghĩ sao về những trường hợp này?
Theo luật định, luật sư phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, bị cáo cũng như tôn trọng nội quy phiên tòa. Việc không chú ý lắng nghe kết luận của kiểm sát viên để tranh luận, đối đáp thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm, không tôn trọng thân chủ, bị cáo cũng như chính đạo đức hành nghề luật sư.
Cũng như vậy, nếu các chiến sỹ hỗ trợ tư pháp được tòa đề nghị đến hỗ trợ giữ gìn an ninh phiên xử mà có hành vi khiếm nhã, chủ tọa phiên tòa hoàn toàn có quyền đề nghị họ rời phiên xử để đảm bảo tính tôn nghiêm. Chủ tọa cũng có thể gửi văn bản kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để xem xét tư cách, xử lý kỷ luật chiến sỹ đó.
Quay lại các tình huống gây rối, tấn công tại phiên xử, có thể xử lý hình sự những hành vi này không?
Cách đây 2-3 năm, từng có chuyện một phụ nữ dùng guốc tấn công luật sư. Sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng”. Về nguyên tắc chung, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cụ thể, qua đó, cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở để xử lý. Thông thường, tội danh “Gây rối trật tự công cộng” là phổ biến.
Cảm ơn thẩm phán!