Bát nháo chốn công đường

Bát nháo chốn công đường
TP - Luật sư bị tấn công tại tòa, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khoanh chân trên ghế chơi game, người nhà bị cáo “vô tư thăm gặp”... Những chuyện khó tin nhưng vẫn xảy ra đầy ở phòng xét xử - chốn công đường - vốn là nơi thể hiện cao nhất sự tôn nghiêm của pháp luật.

> Luật sư và nhà báo bị đánh ngay tại tòa
> Những phiên tòa 'sôi sục' dư luận vì sát nhân 'tung chiêu'
> 'Trò quậy' của sát thủ trước vành móng ngựa

Người nhà vô tư thăm gặp

Việc thăm gặp bị can, bị cáo được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Cụ thể, Thông tư 46 của Bộ Công an ban hành ngày 30/6/2011 quy định, chỉ những người thân thích (ông/bà, bố/mẹ, vợ/chồng…) mới được gặp gỡ phạm nhân một lần / tháng, sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, tại nhiều phiên xử, quy định này “ngoài vùng phủ sóng”.

Ngày 26/3 vừa qua, TAND TP Hà Nội xét xử Bùi Văn Tuấn (SN 1997, ở huyện Thường Tín) về hành vi hiếp dâm trẻ em. Theo cáo trạng, Tuấn và người yêu đã “làm chuyện người lớn” khi cô chưa đủ 13 tuổi, bị bố mẹ nạn nhân phát giác. Phiên xử diễn ra chóng vánh.

Tuấn chỉ phải nhận 3 năm tù giam vì được phía “bị hại” xin giảm nhẹ. “Tôi không thể ngờ, vụ việc lại nghiêm trọng đến vậy. Ban đầu, chúng tôi nghĩ báo công an chỉ để răn đe cháu” - mẹ bị hại, cũng là người đâm đơn tố cáo, nói tại tòa.

 Bất luận vì lý do gì, khi phiên xử đang diễn ra, hội thẩm nhân dân muốn ra ngoài phải đề nghị chủ tọa phiên tòa cho tạm dừng tòa.

Luật sư Hằng Nga

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong giờ HĐXX nghỉ nghị án, “người yêu” của bị cáo cùng đám bạn bè vô tư tràn lên khu vực dành riêng cho bị cáo, hỏi han, vỗ về... Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ tại tòa không hề có động thái ngăn cản. Chỉ khi thấy PV giơ máy ảnh lên chụp, một cán bộ dẫn giải mới đi đến gần, đưa tay che ống kính.

Tương tự, ngày 28/9/2012, TAND TP Hà Nội xét xử vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Thị Huệ (SN 1970, ở huyện Chương Mỹ). Từ cuối năm 2008 đến tháng 11/2009, Huệ vay hơn 15 tỷ đồng của 23 người để đầu tư bất động sản rồi trốn nợ, bị tuyên án chung thân. Ngay tại tòa, Huệ được “tạo điều kiện” thăm gặp chồng và con.

Cũng là câu chuyện “vô tư thăm gặp” tại tòa, tháng 8/2012, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù đối với Bùi Ngọc Phương Hiếu (SN 1973, ở TPHCM, cựu GĐ Cty TNHH Sáng tạo Việt) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong giờ HĐXX nghỉ nghị án, rất nhiều bạn bè của vị cựu giám đốc này thoải mái đến ngồi cùng ghế dành riêng cho bị cáo, trò chuyện rôm rả...

Bị cáo giả điên, quậy phá

Từng theo dõi nhiều phiên xử, cánh PV nội chính cũng không ít lần chứng kiến cảnh bị cáo “quậy” tưng bừng, đặt HĐXX vào những tình huống khó xử.

Đơn cử mới đây, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Đặng Trần Hoài, hung thủ gây nên cái chết của cháu bé 4 tuổi và hiếp dâm cháu bé 8 tuổi ở thôn Triều Đông (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội). Trong phần thẩm vấn và tranh tụng, Hoài nhiều lần giả điên, vật vã khóc lóc, kêu đau đầu và xin hoãn tòa... Luật sư bảo vệ bị cáo cũng cho rằng, Hoài có vấn đề bất thường về tâm lý.

Trước tình huống trên, chủ tọa cho rằng, khi mới tới tòa Hoài rất khỏe mạnh, trả lời rõ ràng về căn cước. Đại diện của trại tạm giam cũng xác nhận từ trước tới ngày ra tòa, Hoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện đau ốm... Do Hoài không chịu khai báo trước tòa, chủ tọa đã phải công bố lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra. Biết không thể diễn trò, đến khi nói lời sau cùng, Hoài bỗng nhiên tỉnh táo lại, nói lời xin lỗi gia đình bị hại.

Tại nhiều phiên tòa khác, cảnh bị cáo giả vờ nhớ nhớ quên quên khi khai báo không hiếm. PV Tiền Phong còn ghi lại được cảnh một nữ bị cáo khoanh tay trước ngực khi trả lời xét hỏi, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng HĐXX.

Cán bộ cũng... bát nháo

Không chỉ bị cáo và người nhà bị cáo, ngay cả một số người tham gia tố tụng hoặc làm nhiệm vụ tại phiên tòa cũng có hành vi thiếu chuẩn mực.

Tháng 9/2012, TAND TP Hà Nội xét xử vụ trọng án giết người, bị cáo là Nguyễn Văn Ký (SN 1988, ở huyện Mê Linh). Do mâu thuẫn lặt vặt sau khi di dự tiệc cưới, Ký đã dùng dao đâm chết một thanh niên cùng thôn.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án cũng như mức độ côn đồ của hung thủ, HĐXX đã đề nghị sự có mặt của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Tuy vậy, trong khi vị chủ tọa đang điều hành phiên tòa, ở hàng ghế dành cho các luật sư phía dưới, một cảnh sát thản nhiên cởi giầy, khoanh chân trên ghế, rút điện thoại chơi game…

Tại phiên tòa khác, ngày 5/6/2012, TAND Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Minh (SN 1971, cựu nhân viên Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Xây dựng) về hành vi lừa đảo bán đất dự án. Khi công tố viên đang kết luận vụ án, những người dự tòa cũng như chính HĐXX đang chăm chú lắng nghe, một vị hội thẩm hồn nhiên... bước ra ngoài.

Về tình huống này, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, vị hội thẩm nhân dân trên đã có hành vi thiếu tôn trọng luật pháp, những người dự tòa, cũng như các thành viên trong HĐXX. “Bất luận vì lý do gì, khi phiên xử đang diễn ra, hội thẩm nhân dân muốn ra ngoài phải đề nghị chủ tọa phiên tòa cho tạm dừng tòa” – luật sư Hằng Nga nói.

Theo luật sư Hằng Nga, quá trình tranh tụng, luật sư, bị cáo, HĐXX cùng những người liên quan nhất thiết phải chăm chú lắng nghe, xem phía “buộc tội” và phía “cởi tội” nêu ra những quan điểm gì. Với các thành viên trong HĐXX, họ càng quan trọng hơn, bởi chính họ sẽ bỏ một lá phiếu quyết định sinh mệnh của bị cáo.

Có hành vi gây rối, sẽ trấn áp ngay

Đại úy Đỗ Văn Sự (Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội): “Quá trình dẫn giải bị cáo phục vụ cho việc xét xử, cũng như công tác bảo vệ phiên tòa, nếu thấy có bất cứ hành vi phạm pháp nào, từ việc lăng mạ HĐXX, gây rối, hoặc tấn công các thành viên HĐXX, chúng tôi sẽ lập tức trấn áp ngay. Sau khi khống chế đối tượng, việc đầu tiên là lập biên bản vi phạm, sau đó sẽ gọi cho lực lượng cảnh sát 113 để họ thực hiện các biện pháp tố tụng tiếp theo”.

Chủ tọa có quyền quyết định

Bát nháo chốn công đường ảnh 1
Luật sư Đỗ Viết Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Sự Thật: “Trước khi bắt đầu xét xử, thư ký phiên tòa bao giờ cũng thông qua “Nội quy phiên tòa” cho những người dự tòa biết. Bên cạnh đó, mọi hành vi vi phạm trong quá trình xét xử đã được Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất chặt chẽ. Nếu có bất cứ sự vi phạm nào trong phiên tòa, chủ tọa hoàn toàn có quyền quyết định, điều hành”.

Bảo Thắng
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG