Phải quy định rõ để tránh lạm quyền

Phải quy định rõ để tránh lạm quyền
TP - “Nghị định phải đảm bảo 2 nguyên tắc, xây dựng được hành lang pháp lý cho người thi hành công vụ đồng thời ngăn ngừa được tình trạng lạm quyền của lực lượng này”.

> Nổ súng bắn người chống đối: Làm sao tránh lạm dụng?
> Ủng hộ nổ súng nhưng còn băn khoăn
> Cần quy định thêm trường hợp công an nổ súng bắn người?

Đó là ý kiến của đại tá Trần Vi Dân, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh dự thảo “Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Thực tiễn bức thiết

Theo đại tá Trần Vi Dân, Nghị định được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tiễn bức thiết. Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm TTATGT, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Tình trạng trên không chỉ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, hiệu quả công tác của các lực lượng thi hành công.

Bộ Công an nhận định, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là chưa có quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Đại tá Trần Vi Dân cũng khẳng định, dự thảo Nghị định trên thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật về phòng vệ chính đáng. “Người thi hành công vụ ở đây không chỉ là công an mà còn là các lực lượng khác như biên phòng, hải quan, cảnh sát biển...” – ông Dân nói.

Cần quy định cụ thể

Thẩm phán Chu Tuấn Vương (Phó Chánh án TAND huyện Tiền Hải, Thái Bình) chỉ ra dự thảo Nghị định nói trên cần quy định cụ thể các tình huống lực lượng công an được phép nổ súng.

Như vậy, một phần vừa tránh cho tình trạng lạm quyền. Phần khác, sẽ giúp những người thực thi nhiệm vụ có được những hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ, qua đó sẽ trấn áp tội phạm một cách hiệu quả, an toàn.

 Quá trình xây dựng Nghị định vẫn đang tiếp tục để nhân dân cho ý kiến. Bộ Công an hoan nghênh và sẽ tiếp thu các ý kiến cả thuận chiều lẫn trái chiều để hoàn thiện dự thảo Nghị định .

Cùng quan điểm, một lãnh đạo Tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội cho rằng, việc quản lý, sử dụng súng cần hết sức cẩn trọng, không thể quy định một cách tuỳ tiện. “Ngay cả với tội phạm hình sự, kể cả tội phạm ma tuý, pháp luật cũng hết sức chặt chẽ trong việc nổ súng ngăn chặn hay triệt hạ tội phạm” – ông này nói.

Cũng theo vị thẩm phán này, riêng trong lĩnh vực giao thông, thực tế cho thấy phần lớn đều là hành vi vi phạm trong lĩnh vực hành chính, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc xử lý hình sự nhưng ở mức ít nghiêm trọng.

Quay lại việc bắt buộc phải nổ súng cho thấy, thường thì đây là những đối tượng manh động, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có vũ khí nguy hiểm, khi đó mới nên quy định cho phép nổ súng.

“Nói nôm na, đó là những đối tượng đã, đang, có dấu hiệu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà khung hình phạt đến tử hình. Còn ở các hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông, có đặc thù là luôn có đông người qua lại. Do đó, nếu nổ súng bừa bãi, có thể gây nguy hại cho những người xung quanh” - vị này nói.

Ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia pháp luật có chung nhận định, dự thảo Nghị định quy định khi đối tượng chống người thi hành công vụ “có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được nổ súng” là chưa ổn.

“Dấu hiệu tội phạm chưa thể chứng minh được người đó có tội hay không. Về nguyên tắc, một người chỉ bị coi là phạm tội khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tòa án”- luật sư Minh Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói.

Không cần thiết

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an là không cần thiết.

Theo luật sư Lê Đức Tiết, Dự thảo Nghị định có những cách diễn đạt không rõ ràng. Chẳng hạn diễn đạt “có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là không ổn.

Dấu hiệu cụ thể như thế nào? Thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng? Trong điều kiện bình thường xác định những dấu hiệu như vậy cũng đã khó rồi mà bây giờ giao cho bên cầm súng (người thi hành công vụ) có quyền nổ súng là việc làm quá phiêu lưu. Với những trường hợp được nổ súng vào người khác thì phải được quy định một cách rất cụ thể.

Cũng theo ông Tiết, Bộ Công an cho rằng cần thiết có Nghị định này do chưa có quy định của pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là chưa chính xác.

Trong điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định về các trường hợp được nổ súng rất rõ. Ngoài ra, Điều 15 Bộ Luật hình sự 1999 có nói đến vấn đề phòng vệ chính đáng. Điều 15 quy định vượt quá phòng vệ chính đáng là “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG