> Khởi tố, bắt tạm giam một PGĐ Trung tâm VHTT
> Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An ra đầu thú
Là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh Nghệ An, nhưng Bùi Xuân Lâm không chuyên tâm nghiệp vụ mà dựa vào cái "mác" quan chức và tự khuyếch trương danh tiếng cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bùi Xuân Lâm lúc đến cơ quan đầu thú và khi đứng trước vành móng ngựa. |
Bằng thủ đoạn "cò" chạy việc, chạy dự án sau gần 3 năm nhậm chức Phó Giám đốc TTVH, Lâm đã lừa đảo hơn 90 trường hợp, chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng. Cuối tháng 1-2013, khi bị đưa ra xét xử song bị cáo Lâm vẫn quanh co chối tội và cho rằng mục đích nhận tiền là để tư vấn kiếm việc làm chứ không mang ý đồ lừa đảo.
Kỳ án nhiều "kỷ lục"
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Bùi Xuân Lâm (1978, trú xã Thạch Sơn, H. Anh Sơn, Nghệ An)- nguyên Phó Giám đốc TTVH tỉnh Nghệ An, được cho là vụ án xác lập được nhiều "kỷ lục" nhất từ trước đến nay tại Nghệ An: Vụ án có bản cáo trạng nhiều nhất (gần 200 trang); vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có người bị hại và người liên quan nhiều nhất (gần 150 người), trong đó có 117 người là bị hại trực tiếp, còn lại là những người liên quan đến vụ án; bị cáo "nổ" nhất tại tòa và mê tín cũng thuộc loại bậc nhất.
Những nạn nhân của Lâm hầu hết là người dân quê và những kỹ sư, cử nhân vừa tốt nghiệp ở các huyện trong tỉnh Nghệ An và một địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thủ đoạn của Lâm là dựa vào mác Phó Giám đốc TTVH tỉnh để "nổ" về năng lực, uy tín của mình để "cò" chạy việc làm cho những trí thức trẻ vừa tốt nghiệp chưa tìm được việc làm. Lâm thường khai thác thông tin trên mạng Internet về các chương trình đào tạo các ngành, chỉ tiêu, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động các cơ quan, ban ngành, cách thức thi công chức của tỉnh Nghệ An... để hướng dẫn, hứa hẹn nhiều người giúp đỡ xin việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp ăn nên làm ra trên địa bàn. Đặc biệt, Lâm còn nhận mình là người có khả năng xin chỉ định dự án thi công, cải tạo các công trình trong tỉnh!
Sau gần 3 năm giữ chức Phó Giám đốc TTVH tỉnh, Lâm đã hứa xin việc cho 86 người dân ở các vùng quê với giá tiền "cò" từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Lâm còn lừa 8 người khác trong việc chạy các dự án, cải tạo công trình trên địa bàn tỉnh rồi chiếm đoạt một khoản tiền lớn. Ngoài ra, Lâm còn nhận tiền trung gian của 23 người để xin việc cho nhiều người khác. Tổng số tiền Bùi Xuân Lâm lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại hơn 9,9 tỷ đồng. Số tiền lừa đảo được, Lâm trả nợ cho khoản kinh doanh thua lỗ, trả tiền lãi suất cao và trả tiền cho người môi giới. Ngoài ra, Lâm đã "đốt" hơn 2 tỷ đồng vào việc hầu đồng, giải hạn và chi gần 1,5 tỷ đồng để "ngoại giao" bàn nhậu nhằm khuyếch trương thanh thế của mình.
Vạch mặt vị Phó Giám đốc lừa đảo
Sau khi bị lừa mất tiền mà việc không có nên cả trăm người tố cáo hành vi lừa đảo của Lâm với cơ quan CA, đồng thời trực tiếp gặp Lâm để đòi lại tiền. Trước sức ép của con nợ và do không có khả năng "khắc phục hậu quả" nên cuối năm 2011 Lâm lấy lý do nghỉ phép để chữa bệnh rồi trốn sang Lào. Đến đầu năm 2012, qua vận động của cơ quan CA, Lâm đã về nước và ra đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm pháp đã gây ra.
Từ khi sự vụ đổ bể, Lâm thì bỏ trốn còn nhiều người bị hại bị đẩy đến bước đường cùng do nợ nần rồi lâm bạo bệnh, để lại món nợ cho người thân gánh vác. Như bà Đoàn Thị T. (trú TT Xuân An , H. Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Nguyễn T. (trú H. Yên Thành, Nghệ An). "Lâm nhiều lần thúc giục phải đưa đủ 180 triệu đồng để lo việc, nếu không mất cơ hội nên mẹ tôi phải vay mượn đưa cho Lâm. Khi biết bị lừa, mẹ tôi đổ bệnh"- chị Đào Thị Thúy (con gái bà Đoàn Thị T.) cho biết. Tương tự, chị Võ Thị Phương (23 tuổi, quê H. Đô Lương, Nghệ An) bị Lâm lừa đảo lấy 240 triệu đồng để xin việc làm cho 2 anh em chị, bức xúc nói trước tòa: "Lâm hứa xin cho tôi vào làm tại Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An và xin cho anh trai vào làm tại Viettel với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chờ dài cổ không thấy đâu, gọi điện thoại thì Bùi Xuân Lâm hứa đang giải quyết chế độ hưu một vài cán bộ xong là có giấy báo đi làm...".
Điều đáng nói là trong quá trình xét hỏi, cũng như chất vấn, bị cáo Lâm vẫn ngoan cố chối tội. Để chứng minh không lừa đảo, Lâm tự tâng bốc mình là một cán bộ chuyên viên cao cấp có năng lực nên mới được cấp trên đưa lên "ngồi ghế" Phó Giám đốc TTVH nên không dại gì Lâm đánh đổi danh dự, công danh, uy tín của mình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên Lâm vẫn thừa nhận đã "tư vấn" cho khoảng 500- 600 trường hợp có công việc ổn định, thu nhập cao. Lâm cho rằng mình chỉ tư vấn cho các trường hợp có nhu cầu tìm việc làm ổn định, hoàn toàn không nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi như cáo trạng đã nêu. Dù vậy, hồ sơ vụ án được thể hiện đầy đủ chi tiết vụ lừa đảo gần 10 tỷ đồng, với gần 150 bị hại và người liên quan.
Mặc dù trước đó luôn quanh co chối tội nhưng trước khi tòa tuyên án, bất ngờ bị cáo Lâm xin lỗi các bị hại và mong được giảm hình phạt tù sớm trở về khắc phục hậu quả, trả lại số tiền đã lừa đảo, kể cả vốn lẫn lãi(?). Xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, mức độ phạm tội của bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Bùi Xuân Lâm 20 năm tù giam và buộc phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân
Theo Hữu Trọng
Công An Đà Nẵng