'Nợ trên trời' rơi trúng đầu năm trưởng thôn

'Nợ trên trời' rơi trúng đầu năm trưởng thôn
TPO - Nông dân phát hiện phân bón kém chất lượng, không trả tiền, khiến 5 trưởng thôn rơi vào cảnh éo le. Từ chỗ người trung gian, họ thành con nợ phải trả món tiền gần 1,3 tỷ đồng từ “trên trời rơi xuống”.
Bao phân được ông Hà giữ làm vật chứng
Bao phân được ông Hà giữ làm vật chứng.

Bỗng dưng… mang nợ

Năm 2008, UBND xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đứng ra nhận phân bón của Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại & Xây dựng Phú Mỹ - Đồng Nai và Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại & Xây dựng Việt Mỹ - Bình Dương để bán cho người dân theo hình thức trả chậm.

Ông Lê Quang Tâm – nguyên Phó chủ tịch UBND xã Cuôr Knia đã làm “Hợp đồng mua bán hàng hóa”, bán 120 tấn phân cho năm trưởng thôn.

Theo chủ trương của xã, năm trưởng thôn sẽ nhận phân từ ông Tâm rồi giao lại cho các hộ nông dân có đơn xin mua phân trả chậm. Theo hợp đồng, các trưởng thôn này có nghĩa vụ thu hồi tiền nợ giao lại cho ông Tâm và được hưởng hoa hồng 100 nghìn đồng/tấn.

Nhận phân về bón cho cây cà phê, người dân phát hiện phân không tan, cây vàng lá, rụng trái non hàng loạt. Khi cho phân vào nước hòa tan thì phát hiện toàn cát và đất sét. Nghi phân bón giả, người dân không trả tiền.

Sau đó, các trưởng thôn tổ chức họp dân, lấy mẫu đi giám định tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Kết quả, mẫu phân NPK 16.16.8.13S (của Công ty Việt Mỹ): thành phần đạm chỉ có 3,5%, lân 9,86%, kali 1,93%, lưu huỳnh 1,08%. Mẫu phân NPK 16.8.16.13S (Công ty Phú Mỹ): đạm 5,6%, lân 3,12%, kali 4%, lưu huỳnh 5,15%.

Cả hai loại phân của những công ty này đều không đạt hàm lượng như trên bao bì đã đăng ký.

Tháng 6-2008, ông Tâm bị cách chức Phó chủ tịch UBND xã do vi phạm kỷ luật. Sau ba năm, vụ việc tưởng chừng đã vào quên lãng, bỗng xôn xao trở lại.

Ngày 12-1-2011, ông Tâm kiện năm trưởng thôn, gồm các ông Cao Minh Hà, Lưu Thanh Giáp, Phạm Văn Trần, Lê Xuân Sự và Cao Quang Nam ra TAND huyện Buôn Đôn.

Ngày 7 và 8-12-2011, TAND huyện tiến hành xét xử sơ thẩm bản án số 02/2011/DSST về “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”.

Tòa cho rằng, mẫu giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên do các bị đơn cung cấp không đáng tin cậy nên không thể kết luận phân giả.

Tòa tuyên buộc năm trưởng thôn phải trả cho ông Tâm số tiền gần 1,3 tỷ đồng (gồm lãi suất 1,5%) và án phí gần 60 triệu đồng. Năm bị đơn như “chết đứng”, riêng ông Cao Minh Hà (nguyên trưởng thôn 4) phải trả gần 400 triệu đồng.

Các trưởng thôn bị liên lụy
Các trưởng thôn bị liên lụy .

“Hợp đồng không có giá trị pháp lý”?

Ngày 10 và 11-7-2012, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” do năm bị đơn đồng kháng cáo.

HĐXX quyết định hủy bản án số 02/2011/DSST, trả hồ sơ cho TAND huyện Buôn Đôn giải quyết lại, vì có nhiều thiếu sót về thủ tục tố tụng và nội dung vụ kiện.

Theo đó, việc tòa án cấp sơ thẩm không đưa UBND xã Cuôr Knia và người dân mua phân tham gia tố tụng để làm rõ trách nhiệm là không đúng. Bởi, để mua phân, người dân phải làm đơn, được UBND xã xác nhận và có cam kết trả nợ rất rõ ràng. Riêng năm trưởng thôn chỉ có trách nhiệm thu hồi tiền nợ cho ông Tâm theo hợp đồng ký kết.

Mặt khác, thời điểm Công an huyện Buôn Đôn lấy mẫu phân (ngày 27-7 và 30-10-2008 – đang trong thời hạn sử dụng) nhưng đến khi giám định tại một nơi nữa là Viện Khoa học hình sự - Bộ công an (ngày 17 đến 21-9-2009), thời hạn đã hết. Vậy, trách nhiệm để mẫu vật hết hạn thuộc về cơ quan, cá nhân nào, tòa sơ thẩm lại “bỏ lơ”?

Về phía đại diện của công ty cung cấp, không xuất trình được chứng cứ nào về quy trình sản xuất, biên bản kiểm tra chất lượng lô hàng… để khẳng định phân có chất lượng. Trong khi, cùng thời gian trên, tại địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea H’leo cũng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Người dân nghi ngờ hàng trăm tấn phân của công ty Phú Mỹ kém chất lượng nên không trả tiền.

Tại tòa, lãnh đạo của công ty cũng thừa nhận những thiếu sót và HĐXX tuyên hủy hợp đồng, không thực hiện việc thu nợ trong dân. Qua đó cho thấy, tòa sơ thẩm đã “làm ngơ” không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì không làm rõ nguồn gốc, chất lượng hàng hóa của công ty Phú Mỹ.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk khẳng định: “Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa ông Tâm và năm bị đơn là không có giá trị pháp lý”.

Theo luật thương mại, muốn làm hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa có bao bì, nhãn mác thì ít nhất ông Tâm phải có cơ sở mua bán, giấy phép kinh doanh và hóa đơn đỏ.

Trong khi, bản thân ông Tâm nguyên là cán bộ lãnh đạo của xã, không có giấy phép kinh doanh và phiếu kiểm định chất lượng. Nếu đây là phân giả, thì ông Tâm đã góp phần vào việc tiêu thụ hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người dân có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại. Đúng ra, UBND chỉ làm trung gian, còn công ty sẽ trực tiếp làm hợp đồng mua bán với người dân.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
TPO - Phát biểu tại họp báo, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - thay mặt ban tổ chức HHVN 2022 nhấn mạnh: “Cô ấy đã thực sự tỏa sáng rực rỡ trước hơn 70 thí sinh quốc tế và đem vinh quang về cho nhan sắc nước nhà. Chúng tôi rất vui và tự hào vì thành quả của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy. Đây là lần đầu HHVN đăng quang ở cuộc thi quốc tế có uy tín, bề dày này”.