Đề nghị truy tố anh em ông Đoàn Văn Vươn tội giết người

Đề nghị truy tố anh em ông Đoàn Văn Vươn tội giết người
TPO - Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đề nghị truy tố 2 anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và các thành viên khác trong gia đình về tội Giết người và Chống người thi hành công vụ.

> Kiến nghị làm rõ trách nhiệm hình sự của bí thư và cựu chủ tịch Tiên Lãng
> Tiếp tục điều tra cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng
> Đình chỉ chức vụ ba bị can trong vụ hủy hoại tài sản tại Tiên Lãng

Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý (phải)
Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý (phải). Ảnh: Người lao động

Giết người hay chống người thi hành công vụ?

Sáng nay (28-12), đại diện Cơ quan CSĐT, CATP Hải Phòng đã tống đạt bản kết luận điều tra vụ án đối với hai bị can Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) tại trụ sở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Cả hai bà Thương và Hiền đều nói mình và người thân trong gia đình không có tội vì chỉ giữ đất đầm mà đã bỏ bao công sức gây dựng nên.

Trước đó, sáng 5-1, ông Vươn cùng người thân trong gia đình đã dùng súng (loại bắn đạn hoa) bắn chống lại lực lượng cưỡng chế đầm làm 7 cán bộ chiến sĩ công an và quân đội bị thương.

Sau gần 12 tháng khởi tố điều tra vụ án hình sự Giết người - Chống người thi hành công vụ, ngày 28-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hải Phòng chính thức có bản Kết luận điều tra vụ án số 96/KLĐT do đại tá Vũ Sỹ Hưng kí.

Theo đó, các bị can Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi), Đoàn Văn Quý (46 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi0 bị đề nghị truy tố về tội Giết người tại điểm d, khoản 1, điều 93 BLHS. Hai bị can Phạm Thị Báu (tức Hiền, 30 tuổi) và Nguyễn Thị Thương (42 tuổi) bị đề nghị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ tại điểm a và điểm d, khoản 2, điều 257 BLHS. Riêng, hai bị can Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái hiện đang bị truy nã vì bỏ trốn.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ về dân sự, nạn nhân là các ông Lê Văn Mải (thượng tá, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng), Vũ Anh Tuấn (công an huyện), Đỗ Xuân Trường (công an huyện), Đào Văn Đức (công an huyện), Nguyễn Văn Phong (công an huyện) và Đào Trọng Dũng (quân sự huyện) không yêu cầu bồi thường về chi phí thuốc men, viện phí nhưng đều yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần.

Ông Lê Văn Ghi (quân sự huyện) yêu cầu bồi thường dân sự số tiền thuốc men đã mua điều trị ngoài là hơn 19 triệu đồng và tổn thất về tinh thần. Công an huyện Tiên Lãng đề nghị các bị can bồi thường cho các cán bộ, chiến sĩ công an huyện bị thương tích là gần 45 triệu đồng. Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng đề nghị các bị can bồi thường cho các cán bộ, chiến sĩ quân đội huyện bị thương tích là hơn 12 triệu đồng. Nạn nhân bị thương nặng nhất là ông Lê Văn Ghi (cán bộ quân sự huyện Tiên Lãng) bị giảm 43% sức lao động. Nạn nhân bị thương nhẹ nhất là anh Đào Văn Đức (cán bộ công an huyện Tiên Lãng) bị giảm 1% sức lao động...

Tám luật sư tham gia bào chữa cho sáu bị can kể trên.

Các ngôi nhà của gia đình ông Vươn bị đập phá trong vụ cưỡng chế nên vợ con ông Vươn và ông Quý dựng lều ở tạm
Các ngôi nhà của gia đình ông Vươn bị đập phá trong vụ cưỡng chế nên vợ con ông Vươn và ông Quý dựng lều ở tạm.

Ông Đoàn Văn Vươn khai gì?

Theo kết luận điều tra, ông Vươn khai: Biết sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất nên từ đầu tháng 12 năm 2011, ông Vươn đã bàn bạc với các anh em trong gia đình (gồm Sịnh, Quý, Thoại và Thái) chống lại lực lượng cưỡng chế như làm hàng rào ở các lối vào nhà ông Vươn, ông Quý; rải rơm, cho nổ bình ga ở lối vào nhà ông Vươn và ông Quý; dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào những người đến cưỡng chế...

Anh Vệ tự nguyện yêu cầu giúp đỡ anh em ông Vươn nên được giao "nhiệm vụ" tìm mua súng bắn đạn hoa cải nhưng anh này không biết mua ở đâu nên ông Vươn cùng anh Thoại đi mua súng, thuốc súng và các vật liệu chế tạo đạn hoa cải.

Trước từng tham gia quân đội nên ông Vươn lấy 4 kíp nổ điện hướng dẫn ông Quý chế tạo mìn và đặt quả mìn ở hàng rào thứ hai cách nhà ông Quý khoảng 40m nhằm tránh nguy hiểm cho người nhà và thiệt hại về tài sản.

Ông Vươn cũng phân công ông Quý, anh Thoại và anh Thái ở lại đầm chống lại lực lượng cưỡng chế còn những người khác mang đồ đạc, tài sản lánh sang nhà anh Thoại để tránh thương vong.

Ông Vươn không trực tiếp làm hàng rào, rải rơm, làm mìn nhưng đã chỉ đạo các ông bà: Quý, Sịnh, Thoại, Thái, Thương, Báu và Đoàn Xuân Quỳnh thực hiện...

Người bắn lực lượng cưỡng chế khai gì?

Là người ở lại đầm “đón” lực lượng cưỡng chế ông Đoàn Văn Quý khai, sáng 5-1, ông Quý cùng anh Thái và anh Thoại đội mũ len kín mặt và dùng ống nhòm theo dõi tình hình.

Khi thấy lực lượng cưỡng chế có cả cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội đến sát hàng rào thứ nhất (cách nhà ông Quý khoảng 40m), ông Quý đã cho nổ mìn nhưng không thấy bình ga nổ.

Đợi lực lượng cưỡng chế tiến gần tới hàng rào thứ hai (cách nhà ông Quý khoảng 15m) ông Quý đã nâng súng (loại bắn đạn hoa cải) nhằm thẳng vào cán bộ công an nổ súng.

Thấy cán bộ công an trúng đạn ngồi xuống, ông Quý nâng khẩu súng (bắn đạn hoa cải) thứ hai đã nạp đạn từ trước bắn tiếp vào các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội đang ở gần đấy.

Ông Quý nạp viên đạn thứ ba vào súng và nhằm vào các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội bắn tiếp phát đạn thứ ba thì cùng lúc ông nghe tiếng súng nổ trên gác và biết  anh Thoại và anh Thái đã "khai hỏa" vào lực lượng cưỡng chế.

Ông Quý cầm can xăng ra tưới lên rơm rạ và châm lửa đốt nhưng do thời tiết không cháy nên kêu mọi người rút chạy. Anh Thoại cầm một khẩu súng, ông Quý cầm một khẩu súng, một vỏ can xăng chạy ra đầm lên thuyền cùng anh Thái, anh Thoại bỏ trốn.

Khi sang bờ đầm bên kia, anh Thái và anh Thoại lên bờ bỏ trốn. Anh Thoại để lại khẩu súng cho ông Quý cầm. Ông Quý nấp ở đẩm trồng chuối đến đêm 5-1 thì cầm hai khẩu súng lên một thuyền khác bơi qua cửa biển sang phía bờ đê Thái Bình. Ông Quý gói hai khẩu súng vào chiếc áo mưa đến bãi dứa bờ sông Hóa (thôn Đồng Xuân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cất giấu...

Theo Viết
MỚI - NÓNG