Hơn 4.300 vụ án hình sự liên quan tín dụng “đen”

Hơn 4.300 vụ án hình sự liên quan tín dụng “đen”
TP - Từ năm 2010, cả nước xảy ra hơn 100 vụ án liên quan cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao dạng tín dụng “đen”, gây thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng và xảy ra 4.327 vụ án hình sự có nguồn cơn từ hoạt động phi pháp này.

> Hãi hùng 4.500 vụ ‘tín dụng đen’
> Chồng 'ngoại' về nước để thẳm sát nhà vợ 'hờ'

Thông tin trên được Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an cho biết ngày 3-12. Theo cơ quan này, mặc dù là số liệu thống kê chưa đầy đủ, song cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan cho vay không có sự đảm bảo của pháp luật đang diễn ra hết sức phức tạp...

Mất 4.500 tỷ đồng vì cho vay nặng lãi

Qua nghiên cứu các vụ án liên quan đến tín dụng đen, C45 đã chỉ ra 5 đặc điểm của loại tội phạm này. Trong đó đặc điểm về đối tượng cho vay rất đa dạng.

Đáng chú ý là những băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng được tổ chức một cách chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với con nợ và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi cắt cổ cùng nợ gốc.

Vì có thể người đi vay sẽ bị liên đới nên các vụ cho vay lãi nặng chỉ được phát hiện khi phát sinh các hành vi như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật…Cá biệt, có trường hợp sử dụng vũ khí nóng để uy hiếp, thậm chí giết người khi đến yêu cầu người vay trả nợ.

Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6-2012, cả nước xảy ra 4.327 vụ án hình sự liên quan đến tội phạm dạng tín dụng “đen”, trong đó có 31 vụ giết người; 218 vụ cố ý gây thương tích; 338 vụ cướp, 689 vụ cưỡng đoạt, 1.007 vụ lừa đảo, 1.896 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 54 vụ hủy hoại tài sản... Điển hình, đêm 24-11 vừa qua, tại ngõ 114 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội xảy ra một vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần.

 Hiện trường vụ giải quyết mâu thuẫn nợ nần bằng súng và mìn ngày 24-11, tại quận Tây Hồ
Hiện trường vụ giải quyết mâu thuẫn nợ nần bằng súng và mìn ngày 24-11, tại quận Tây Hồ.

Đối tượng Hà Minh Lương (SN 1962) sau khi dùng súng bắn con trai chủ nhà, liền ôm mìn lên tầng 3 định đánh sập nhà nhưng mìn nổ khiến Lương chết tại chỗ.

Không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự mà hậu quả về kinh tế của hoạt động tín dụng đen cũng rất nặng nề.

Trong vòng 3 năm gần đây, cả nước xảy ra trên 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến vay, huy động vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 4.500 tỷ đồng.

Nhiều vụ vỡ nợ lớn làm cho hàng trăm gia đình điêu đứng, bị cầm cố hết tài sản, ruộng vườn, thậm chí trắng tay.

Đáng chú ý, tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ xảy ra 18 vụ gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Tín dụng tư nhân đang bị buông lỏng

Theo cơ quan công an, thủ tục cho vay lỏng lẻo, dễ dàng đã khiến nhiều người tìm đến “tín dụng đen” bất chấp những rủi ro và hậu quả đã được báo trước; phương thức thủ đoạn của tội phạm này diễn ra tinh vi, khó kiểm soát với mức huy động lãi suất cao ngất ngưởng…

Theo một cán bộ C45, cơ quan chức năng vừa tiếp nhận đơn của chị Vương Thị A (SN 1973, ở Hà Nội) tố cáo giám đốc một Cty TNHH có trụ sở tại quận Cầu Giấy hoạt động tín dụng “đen”, cho vay lãi “cắt cổ”. Trước đó, anh trai chị A vay của vị giám đốc Cty này 900 triệu đồng, sau một thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ đã lên đến 4 tỷ đồng, với lãi suất trung bình 240 triệu đồng / tháng. Gia đình chị A đang đứng trước nguy cơ mất trắng 2 căn nhà vào tay chủ nợ. Vụ việc đang được Công an Hà Nội điều tra.

Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Cục CSHS, các vụ vỡ nợ liên hoàn xảy ra trong thời gian qua là hệ quả của một thời gian dài công tác quản lý hoạt động tín dụng tư nhân bị buông lỏng.

Hơn nữa, trong lĩnh vực quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có chế tài xử lý mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cầm cố tài sản, cho vay lãi nặng nhằm phòng ngừa ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến tín dụng “đen”.

Để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến vay, mượn lãi suất cao do người dân tự huy động bị chiếm đoạt, đồng thời hạn chế những nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm có liên quan, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã đề xuất 5 giải pháp.

Trong đó, kiến nghị Bộ Công an, Viện KSNDTC, TANDTC và Bộ Tư pháp sớm có thông tư hướng dẫn xác định những dấu hiệu cụ thể của hành vi: hoạt động chuyên nghiệp, lấy số lãi làm nguồn sống chính…làm căn cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, cho vay lãi nặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.