> Khởi tố bắt giam nguyên trung tá Công an Tiền Giang
> Đề nghị truy tố cựu Trưởng phòng CSĐT Công an Tiền Giang
Cơ quan điều tra khám nhà một bị can trong vụ án. |
Đây là vụ án thứ hai do Cục 6 khởi tố để điều tra dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự của nhóm ông Nguyễn Văn Nên.
Nạn nhân trong vụ án là ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT Cty Hưng Thịnh, chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Đồng An, Bình Dương).
Ở vụ án thứ nhất, ông Nên với vai trò là tổ trưởng tổ A4, thành viên Ban chuyên án Năm Cam và đồng phạm, đã tiếp nhận đơn tố cáo của ông Nguyễn Viết Tạo (Tổng giám đốc Cty TNHH Gas Bình Dương nằm trong KCN Đồng An).
Ông Nên đã dẫn đội của mình đến tận Bình Dương bắt nhóm ông Lân và Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng (Phó Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Cty Hưng Thịnh) về Tiền Giang giam giữ, điều tra hành vi các ông này dám thuê đàn em Năm Cam đến Cty Gaz Bình Dương gây rối, chiếm giữ tài sản.
Việc bắt giữ này sau đó được cơ quan chức năng xác định trái pháp luật.
Năm 2011, ông Nên và các ông Ngô Thanh Phong (Trưởng phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an Tiền Giang), Nguyễn Văn Út (thủ quỹ kho vật chứng) đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo CQĐT, trong khi điều tra vụ án buôn lậu xăng dầu của Hùng “Xì tẹc”, các ông Phong, Nên đã chỉ đạo cấp dưới đem gửi 12,5 tỷ đồng và 249.419 USD tiền tạm giữ vào ngân hàng, lấy lãi chia nhau. |
Liên quan vụ án thứ hai, theo đơn tố cáo của ông Lân, vụ kiện tranh chấp thửa đất 23.383 m² tại thị trấn Dĩ An (huyện Dĩ An, Bình Dương) đã được TAND huyện Dĩ An thụ lý.
Song, khi biết công an đang điều tra nhóm ông Lân, ngày 18-9-2000, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư - Huỳnh Thị Thu (ở quận 10, TPHCM) đã gửi đơn tố cáo ông Lân chiếm đoạt sổ đỏ thửa đất trên.
Ban chỉ đạo điều tra vụ án Năm Cam tiếp tục chỉ đạo tổ A4 của ông Nên tiếp nhận hồ sơ điều tra. Khi ấy, ngoài ông Nên còn có sự tham gia của điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng.
Theo lời ông Lân tố cáo, ông Lân đã bị ông Nên và ông Dũng yêu cầu trả lại sổ đỏ và nhận lại số tiền 3 tỷ đồng mà ông đã nộp cho Nhà nước thay cho vợ chồng bà Thu.
Đến ngày 7-8-2003, ông Nên và ông Dũng lập biên bản về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp thửa đất.
Một tuần sau, ông Cư mang 3 tỷ đồng nộp cho ông Nên. Đầu tháng 9-2003, ông Lân nộp sổ đỏ cho cơ quan điều tra...
Sau đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xử giám đốc thẩm vụ án, tuyên bác đơn khởi kiện của bà Thu đối với thửa đất.
Theo điều tra ban đầu, ông Dũng khai tham gia vào vụ việc trên theo chỉ đạo của ông Nên.
Ông Nên cũng thừa nhận đã đứng ra giải quyết việc tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền, bởi hình sự hóa vụ việc dân sự và đã lạm quyền khi từ Tiền Giang sang tỉnh khác (Bình Dương) để thực hiện bắt người trái pháp luật.
Cũng ở vụ việc này, cuối tháng 9-2003, ông Nên ký quyết định xử lý vật chứng, trả lại sổ đỏ thửa đất cho bà Thu, song không trả lại 3 tỷ đồng cho ông Lân như biên bản thỏa thuận.
Tháng 11-2003 và tháng 2-2004, ông Cư tiếp tục nộp thêm 2,25 tỷ đồng cho ông Nên và ông Dũng.
Tổng cộng 5,25 tỷ đồng này không được nộp vào kho bạc Nhà nước theo đúng quy định mà bị các ông Nên, Dũng “ngâm” trong kho vật chứng suốt 6 năm.
Đến 15-10-2007, phía ông Nên mới tạm gửi số tiền này vào kho bạc Nhà nước. Sau khi bị Hội đồng thẩm phán TANDTC bác đơn khởi kiện, tháng 9-2009, ông Cư mới được nhận lại tiền.
Cơ quan điều tra nhận định, việc thu giữ sổ đỏ thửa đất 23.383m² và 5,25 tỷ đồng của các đương sự dưới hình thức vật chứng của vụ án trong khi vụ tranh chấp dân sự này không thuộc thẩm quyền giải quyết và không liên quan đến vụ án hình sự nào do 2 ông Nên và Dũng thụ lý, có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ.