> Gần 150 trẻ em bị xâm hại tình dục
Nhiều người cho rằng cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương bị án 9 năm tù về tội mua dâm người chưa thành niên vẫn là quá nhẹ. |
Kết quả khảo sát do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm liên hợp quốc (UNODC) tiến hành tại các tỉnh: Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9-2012.
Phần lớn nạn nhân bị lôi kéo, dụ dỗ
Theo ông Trần Văn Dũng, phó Phòng Pháp luật hình sự (Bộ Tư pháp), tội phạm xâm hại TDTE phổ biến nhất là hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em và dâm ô đối với trẻ em.
Một số địa bàn có đường biên giới, loại tội phạm mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục cũng có chiều hướng gia tăng, như tại Quảng Ninh, nhiều em bị các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán vào các nhà chứa, bị bóc lột tình dục hết sức dã man.
Tại Hải Phòng, xâm hại TDTE chiếm tỉ lệ tương đối cao so với các nhóm tội phạm khác.
Hầu hết nạn nhân là những em có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của người lớn, bị kẻ xấu lợi dụng sự ngây thơ, non nớt để dụ dỗ quan hệ tình dục hoặc dùng vũ lực để giao cấu, điển hình là vụ Đồng Văn Tuyến lợi dụng nạn nhân khi mới 12 tuổi, hay vụ Bùi Văn Sức hiếp dâm nạn nhân khi mới 9 tuổi.
Tại TP Hồ Chí Minh, các nạn nhân chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, thất học, bị các đối tượng rủ rê, lôi kéo.
Tại Cần Thơ, các đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc nạn nhân như cho xem phim đồi trụy để kích thích sự tò mò hoặc lợi dụng nạn nhân không có người lớn quản lý để thực hiện hành vi phạm tội.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thường do bố mẹ và con cái có mâu thuẫn nên các em bỏ học đi chơi, dễ dàng bị lôi kéo dụ dỗ trở thành nạn nhân.
Cần quy định hình phạt nặng hơn
“Xâm hại TDTE sẽ có chiều hướng gia tăng và xảy ra nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn hoặc khu du lịch. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mỗi năm có hàng ngàn học sinh phổ thông phải bỏ học, lang thang tìm kiếm việc làm ở các địa bàn trên. Đi làm xa, không có người thân bảo vệ, dẫn đến các em dễ bị đối tượng xấu xâm hại tình dục” - Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Cục CSĐTTP về trật tự xã hội (Bộ Công an) cảnh báo.
“Một trong những bất cập của Bộ Luật hình sự là chưa có khái niệm về tội phạm du lịch TDTE, chưa có điều khoản quy định trực tiếp về tội phạm du lịch TDTE. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xác định phạm vi của tội phạm du lịch TDTE, mà còn làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng chống loại tội phạm này” - ông Trần Văn Dũng nói.
Bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ UNODC Việt Nam đề xuất cần tăng hình phạt đối với tội mua dâm trẻ em, đồng thời tăng cường các quy định hình sự để xử lý thật nghiêm hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm trẻ em dưới 13 tuổi.
“Cần quy định các thủ tục tố tụng riêng biệt nhằm tránh những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại tình dục” - bà Vân nói.