'Săn' tội phạm trong thế giới ảo

'Săn' tội phạm trong thế giới ảo
Với thủ đoạn lắp đặt thiết bị tại máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng (TTD), tội phạm công nghệ cao đã làm giả thẻ để rút tiền (skimming).
 Ðối tượng Ðinh Văn Long làm giả thẻ tín dụng bị bắt giữ
Ðối tượng Ðinh Văn Long làm giả thẻ tín dụng bị bắt giữ.

Theo cơ quan chức năng, đối tượng phạm tội gắn thiết bị sao chép dữ liệu có mầu sắc giống mầu thân máy ATM ngay trước khe đọc thẻ, khi chủ thẻ đưa thẻ vào khe đọc máy ATM để truy vấn số dư, rút tiền hay chuyển khoản, thiết bị này sẽ sao chép thông tin dữ liệu TTD. Các ca-mê-ra được gắn bí mật trên nóc ca-bin, ghi lại số PIN của thẻ khi khách giao dịch, sau đó sử dụng máy tính, phần mềm, thiết bị chuyên dụng ghi thông tin TTD đã trộm cắp được lên thẻ giả để rút tiền. Thời điểm "hành sự" thường vào chiều tối, đối tượng đeo khẩu trang che mặt, có tên cảnh giới bên ngoài để tránh bị phát hiện.

Tinh vi hơn, lợi dụng sơ hở trong TTÐT, các đối tượng sử dụng trái phép thông tin TTD của người khác (còn gọi là "cc chùa") để mua bán các sản phẩm điện tử, phần mềm, thanh toán các loại dịch vụ như khách sạn, mua vé máy bay điện tử... Ðể có được "cc chùa", chúng tham gia các diễn đàn của TPSDCNC trên mạng in-tơ-nét (thế giới ngầm), trao đổi, hướng dẫn nhau các ngón nghề...

Minh chứng điển hình là nhóm đối tượng trong nước dùng thiết bị, phần mềm chuyên dụng trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin TTD người nước ngoài, đặt mua đồ điện tử đắt tiền trên các trang bán hàng trực tuyến tại Mỹ như Apple Store, Microsoft Store... rồi cấu kết một số đối tượng ở Mỹ và nhân viên các Công ty chuyển phát nhanh tại Việt Nam chuyển về nước tiêu thụ, chiếm hưởng trái phép hàng chục tỷ đồng và hàng triệu USD đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) bắt gọn.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Khi chiêu bài làm giả TTD không còn dễ sử dụng ở nước sở tại, các đối tượng người nước ngoài chuyển địa bàn hoạt động tại Việt Nam. Chúng sử dụng thiết bị chuyên dụng truy cập bất hợp pháp cơ sở dữ liệu các NH, trang bán hàng trực tuyến... lấy trộm thông tin TTD của khách in dữ liệu lên thẻ để sử dụng, thuê các đối tượng đang bị vỡ nợ nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch bằng hộ chiếu thật, sau đó dùng hộ chiếu và TTD giả mang tên người khác mua hàng, chủ yếu là các thiết bị điện tử đắt tiền như Ipad, Iphone, Macbook... hoặc vàng tại các nơi chấp nhận thanh toán thẻ, rồi mang đi tiêu thụ hưởng lợi bất chính (nếu trót lọt sẽ được xóa nợ).

Hàng loạt vướng mắc nảy sinh cho thấy, tội phạm vẫn còn cơ hội hoạt động do chủ thẻ mất số tiền không lớn, nên không phát hiện được ngay mà chỉ khiếu nại với NH khi nhận được hóa đơn thanh toán hoặc bỏ qua, không trình báo với cơ quan chức năng.

Mặt khác, đa phần bị hại-chủ TTD là người nước ngoài nên việc xác minh, lấy lời khai không thể thực hiện. Ngay cả NH phát hành thẻ cũng sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nên thường dùng quỹ dự phòng, rủi ro để trả cho chủ thẻ mà không báo cơ quan chức năng.

Với loại tội phạm ẩn này, thời gian phạm tội chớp nhoáng, giữa tội phạm và người bị hại thường chỉ giao dịch qua mạng internet nên việc cung cấp kịp thời thông tin về tài khoản TTD và các giao dịch của chủ thẻ rất cần thiết cho điều tra, nhưng hiện nay còn khó khăn do quy định cung cấp thông tin, giao dịch trong tài khoản của NHNN. Những bất cập trên cần sớm tháo gỡ.

Lời khuyên và cảnh báo

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Ðể chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, NHNN đề nghị các Tổ chức thanh toán thẻ có biện pháp rà soát lại những giao dịch thanh toán đáng ngờ qua POS. Trong đó cần chú ý đến những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có số lượng giao dịch liên tục với nhiều thẻ khác nhau vào thời gian bất thường trong ngày, hoặc trường hợp doanh số tăng đột biến và thiếu chứng từ chứng minh cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp lệ... thì phải kịp thời báo cáo NHNN và thông báo, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (số điện thoại 069.21168 hoặc 069.21166) để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):Tội phạm có tính chất quốc tế nhằm vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng lên với nhiều phương thức mới như: ăn cắp tiền từ tài khoản của khách hàng ở nước ngoài, rồi lợi dụng hệ thống thanh toán ship, thực hiện chuyển tiền vào tài khoản do đồng bọn mở tại Việt Nam để rút tiền; ăn cắp thông tin thẻ của ngân hàng, của các tài khoản, sau đó làm giả thẻ để rút tiền của khách. Tuy nhiên, có trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ do hám lợi đã thông đồng, câu kết với các đối tượng tội phạm thực hiện giao dịch giả mạo và rút tiền của ngân hàng. Nhất là bọn tội phạm đã lợi dụng các ngày lễ, Tết để thực hiện các giao dịch với nhiều thẻ khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của ngân hàng... Trong khi hệ thống ATM đã liên kết, nếu không có biện pháp phòng ngừa tốt sẽ gây bất ổn lớn.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Khắc phục những hạn chế trong hoạt động thẻ hiện nay, các tổ chức thành viên Hội thẻ cần tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin trong hoạt động thẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm hơn nữa để phục vụ tốt yêu cầu của khách hàng. Ðặc biệt, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng Hội thẻ sẽ có kiến nghị với cơ quan chức năng để có giải pháp thúc đẩy thị trường thẻ Việt Nam phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững, nhằm thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt theo sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Theo Lê Minh Loan
Nhân dân cuối tuần

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.