Ai có tài sản bị hủy hoại?

Ai có tài sản bị hủy hoại?
TP - Công an TP Hà Nội lại mới khởi tố bị can một cán bộ của Tập đoàn y dược Bảo Long quanh uẩn khúc vụ án “Hủy hoại tài sản” tại TX Sơn Tây - Hà Nội.
Hiện trường xảy ra vụ “huỷ hoại tài sản” (ảnh trên); Quyết định khởi tố bị can ông Tuất (ảnh dưới)
Hiện trường xảy ra vụ “huỷ hoại tài sản”.

Trong khi vụ chuyển nhượng vốn và tài sản giữa Cty cổ phần tập đoàn y dược Bảo Long (trụ sở TX Sơn Tây, Hà Nội, gọi tắt Tập đoàn Bảo Long) và Cty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (trụ sở Q. Đống Đa, Hà Nội, gọi tắt Tập đoàn Bảo Sơn) đang có tranh chấp khiến tốn nhiều giấy mực báo giới, Công an TP Hà Nội lại mới khởi tố bị can một cán bộ của Tập đoàn Bảo Long. 

Phá tường, chặt cây

Hành vi đang bị coi là “phạm pháp” xảy ra ngày 27-10-2011, tại khu đất đã và đang có tranh chấp giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn, thuộc xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội.

Hôm đó, ông Đặng Quang Tuất - Chánh văn phòng Tập đoàn Bảo Long - đã thuê người phá dỡ một khúc tường rào, chặt một số cây lâu năm. Số tường rào, cây cối này nằm chắn sát trước mặt một ngôi nhà bốn tầng.

“Việc phá dỡ nằm trong kế hoạch từ trước của ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Long, mục đích tạo đường vào thông thoáng cho ngôi nhà bốn tầng” - ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long cho biết.

Thời điểm xảy ra vụ việc, “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm” được ký giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn ngày 3-3-2011 (gọi tắt Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn) chưa được thanh lý, bởi đang có tranh chấp.

Phía Bảo Sơn cho rằng họ đã thanh toán đủ tiền cho Bảo Long, còn phía Bảo Long lại cho rằng Bảo Sơn mới thanh toán được một phần trong tổng số tài sản đôi bên thỏa thuận chuyển nhượng.

Khởi tố?

Khi có việc phá rào, chặt cây, phía Bảo Sơn cho rằng ông Tuất “hủy hoại tài sản của Bảo Sơn”; đại diện doanh nghiệp này đã gửi đơn tố cáo đến Công an TX Sơn Tây.

Quyết định khởi tố bị can ông Tuất.
Quyết định khởi tố bị can ông Tuất..

Ngày 5-11-2011, Cơ quan CSĐT Công an TX Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, để điều tra về hành vi “hủy hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Sau đó, vụ án được chuyển cho Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra.

Ngày 11-1-2012, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Quang Tuất. Tuy nhiên, quyết định này không được Viện KSND TP Hà Nội phê chuẩn trong vòng 3 ngày như luật định. Viện KSND TP Hà Nội chỉ ra quyết định phê chuẩn khởi tố bị can ông Tuất sau… hơn 3 tháng, cụ thể là ngày 27-4-2012.

Nhận quyết định khởi tố bị can, ông Tuất kêu oan, khẳng định hành vi của ông không cấu thành tội phạm. Ông Tuất không bị áp dụng biện pháp tạm giam, chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú để hầu tra.

Ai là chủ sở hữu tài sản bị hủy hoại?

Câu hỏi này lẽ ra sẽ có câu trả lời từ TAND TP Hà Nội - cơ quan thụ lý giải quyết vụ án dân sự “tranh chấp thành viên Cty” ngày 2-12-2011, nếu nguyên đơn là Tập đoàn Bảo Sơn không rút đơn khởi kiện vào ngày 5-4-2012.

Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyết định khởi tố bị can phải được chuyển đến Viện kiểm sát cùng cấp trong vòng 24 giờ, và “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho CQĐT”.

Các PV Tiền Phong đã nghiên cứu Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn, thì thấy số cây bị chặt và số tường rào bị phá ngày 27-10-2011 không nằm trong danh mục tài sản chuyển nhượng từ Bảo Long sang cho Bảo Sơn, được nêu trong Phụ lục của Hợp đồng.

Điều cần nói thêm, bản Phụ lục Hợp đồng (được lập hai ngày sau khi đôi bên ký Hợp đồng) đến nay vẫn chưa được đôi bên ký vào. Vì vậy, không có căn cứ pháp lý để nhận định số tài sản bị phá hủy thuộc sở hữu của Tập đoàn Bảo Sơn.

Đáng chú ý, quyết định khởi tố bị can ông Tuất cũng không nêu ông Tuất hủy hoại tài sản của Tập đoàn Bảo Sơn, mà ghi là ông Tuất đã “thuê người phá dỡ 21,6 m tường và chặt hạ 05 cây xà cừ, 02 cây phượng vĩ của Cty cổ phần tập đoàn y dược Bảo Long”.

Dư luận đông đảo những người theo dõi vụ việc đặt câu hỏi: Nếu tài sản “bị hủy hoại” vẫn thuộc sở hữu của Tập đoàn Bảo Long, có lẽ nào việc ông Tuất làm đúng chức năng, nhiệm vụ, và theo đúng chủ trương của ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Long đã giao, lại cấu thành tội phạm “hủy hoại tài sản” của Tập đoàn này?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG