Sửa luật có bảo vệ được cô dâu Việt?

Sửa luật có bảo vệ được cô dâu Việt?
TP - Chị Phạm Thị Loan (39 tuổi, ở TP Cần Thơ) là trường hợp cô dâu Việt thứ tư bị sát hại ở xứ người trong những năm gần đây. Vụ việc một lần nữa cho thấy, hành lang pháp lý vẫn còn những khoảng trống, chưa bảo vệ hữu hiệu người phụ nữ Việt lấy chồng ngoại.

> Vụ cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc: “Nó là đứa tử tế”

Liên quan đến điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài, Bộ Tư pháp vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp) trao đổi cùng Tiền Phong về dự thảo này.

Hiện quy định về việc kết hôn có yếu tố nước ngoài đang có nhiều kẽ hở về luật pháp. Dự thảo Nghị định mới sẽ đưa ra giải pháp nào để bảo vệ đối tượng cô dâu Việt, thưa ông?

Về lý, việc kết hôn dựa trên nguyên tắc tự nguyện của 2 người đã trưởng thành. Khi họ đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo luật pháp quy định, thì không gì ngăn cấm được.

Vẫn biết kết hôn với người nước ngoài đang có nhiều tiêu cực và biến tướng, nhưng tác động của nhà nước để kiểm soát chỉ có thể ở mức độ nào đó.

Bởi nếu can thiệp quá, sẽ vô tình vi phạm vào nhân quyền, chưa kể còn liên quan đến các vấn đề đối ngoại, nên đây là lĩnh vực rất khó và nhạy cảm.

Trong Dự thảo Nghị định vừa trình Chính phủ, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp ở mức cao nhất có thể, nhưng khó giảm triệt để những rủi ro.

Như vấn đề môi giới hôn nhân chẳng hạn, mặc dù vẫn biết có hoạt động trục lợi, nhưng không thể quy kết vì không có bằng chứng; Hôn nhân có yếu tố nước ngoài vì xây dựng hạnh phúc gia đình hay chỉ vì mục đích kinh tế, một kiểu "tự nguyện bán mình" của các cô dâu Việt...cũng không thể có căn cứ để quy kết.

Những vấn đề này, chỉ có thể ngăn chặn một phần, chứ nói chấm dứt hẳn là khó.

Chủ yếu, Dự thảo Nghị định mới sẽ củng cố về mặt pháp lý cho các trung tâm hỗ trợ kết hôn của hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh.

Những trung tâm này hiện nay chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý, chưa có quy định rõ chức năng nhiệm vụ, thực tế họ không thực hiện được vai trò tư vấn hỗ trợ kết hôn.

Nếu được mở rộng thêm các chức năng, nhiệm vụ, các trung tâm sẽ góp phần hạn chế được những rủi ro cho các cô dâu Việt khi có ý định lấy chồng ngoại.

Liệu chỉ với giải pháp tăng cường thêm địa vị pháp lý có đủ sốc lại hoạt động của 18 trung tâm tư vấn và hỗ trợ kết hôn đang có hiện nay, thưa ông?

Tất nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ pháp lý, còn phải có những nâng cấp về nhân lực, vật lực thì các trung tâm tư vấn và hỗ trợ kết hôn hiện nay mới "đủ chuẩn" để hoạt động đúng tôn chỉ mục đích.

Khi đủ điều kiện hoạt động lý tưởng, các trung tâm sẽ trở thành bà mối "mát tay".

Đối tượng phụ nữ muốn lấy chồng ngoại sẽ được môi giới qua kênh an toàn là các trung tâm, thay vì mạo hiểm "chọn mặt gửi vàng" qua các tổ chức môi giới bất hợp pháp như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn từ trên Bộ trở xuống để sớm phát hiện những trường hợp tiêu cực, xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Mấu chốt của nạn cô dâu Việt bị lừa đảo, bạo hành và bị xâm hại khi kết hôn với người nước ngoài, là việc luật pháp đang chấp nhận đăng ký kết hôn (ĐKKH) vắng mặt. Phần lớn cô dâu "nhắm mắt đưa chân" về nhà chồng không đoán định được trước về người bạn đời, cũng như về tương lai cuộc hôn nhân của mình. Dự thảo Nghị định có đưa ra biện pháp khả thi nào để hạn chế điều này?

Thực tế, chuyện tiêu cực thường chỉ xảy ra khi các cô gái lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, bởi các quốc gia, lãnh thổ này cho phép ĐKKH vắng mặt.

Trong các giải pháp của Nghị định mới cũng có đề cập tới biện pháp xử lý đối với trường hợp đăng ký kết hôn vắng mặt.

Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm bởi luật pháp nước bạn quy định cho phép kết hôn vắng mặt, mình không thể cấm được. Đây là bài toán khó đặt ra với chúng tôi, làm không khéo thì người ta lại cho rằng mình phân biệt đối xử.

Theo tôi, biện pháp tối ưu nhất để giảm thiểu những tiêu cực trong việc kết hôn có yếu tố nước ngoài vẫn là công tác tuyên truyền vận động, để các chị em hiểu đâu là lựa chọn an toàn, họ có nên mạo hiểm dấn thân vào một cuộc hôn nhân xa lạ...mới là điều quan trọng nhất.

Còn các biện pháp về mặt pháp luật chỉ phòng ngừa có mức độ thôi. Nhiều người biết là rủi ro, nhưng vì cuộc sống họ vẫn phải lựa chọn, thì chẳng pháp luật nào ngăn cấm được.

Cảm ơn ông.

Hơn 30.000 cô dâu Việt chấp nhận kết hôn vắng mặt

Theo thống kê mới nhất của ngành tư pháp, đến nay có khoảng 40.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, trong đó có tới 95% ĐKKH vắng mặt ở nước ngoài.

Quy trình kết hôn có yếu tố nước ngoài đang phổ biến: Những người đàn ông nước ngoài muốn lấy vợ Việt Nam phải trả phí khoảng 10.000 USD cho tổ chức môi giới.

Khi được chú rể nước ngoài chọn, cô dâu sẽ làm một bộ hồ sơ gửi sang quốc gia của chú rể. Cặp đôi này được ĐKKH vắng mặt ở nước ngoài, sau đó chú rể mới sang Việt Nam gặp cô dâu và trải qua một cuộc phỏng vấn (hình thức) với Sở Tư pháp để đủ điều kiện được cấp "Giấy ghi chú kết hôn" ở trong nước.

Quá trình nhiều kẽ hở này đang bị lợi dụng, mà nạn nhân trả giá là các cô dâu Việt!

Ngày 10-3, hài cốt cô dâu Phạm Thị Loan (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã được gia đình chuyển từ Hàn Quốc về tới sân bay Tân Sơn Nhất để đưa về quê an táng.

Đêm 6-3, chị Loan bị chồng sát hại tại hạt Jeongseon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; sau đó người chồng đã tự sát. Chị Loan kết hôn với người chồng Hàn Quốc từ tháng 8-2011, đến tháng 1-2012 lên máy bay về nhà chồng.

 

Hoàng Long thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG