Có vụ "chạy án" cho ông trùm

Phương Linh Hột cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
Phương Linh Hột cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
TP - Sau khi tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho anh em ông trùm băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ở Móng Cái - Quảng Ninh, đã có rất nhiều thông tin, lời đồn vì sao ông trùm Nguyễn Tiến Phương tức Phương Linh Hột lại thoát được mức hình phạt cao nhất.

> Đàn em Phương 'linh hột' tiếp tục sa lưới

Hai án tử hình

Như đã thông tin, ngày 26-8-2010, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung "tử hình", Bùi Hải Bài "tù chung thân", đều vì tội "giết người". Sau phiên tòa, cả ba bị cáo này chống án, xin được giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 18-1-2011, TAND Tối cao xử phúc thẩm, giữ nguyên tội danh "giết người", song giảm nhẹ hình phạt cho cả ba bị cáo: Nguyễn Tiến Chung tù chung thân; Bùi Hải Bài 15 năm tù giam; riêng ông trùm Nguyễn Tiến Phương không chỉ thoát án tử hình, mà còn được giảm xuống 20 năm tù.

Sau khi án tuyên, các bị cáo được chuyển đi các trại cải tạo. Phương Linh Hột được đưa về trại cải tạo Ninh Khánh - Ninh Bình. Chung Linh Hột được đưa đến trại cải tạo Thanh Phong - Thanh Hóa. Bùi Hải Bài thì được điều đến trại cải tạo Nam Hà...?

Hủy án, xử lại

Ngày 3-8-2011, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị hủy để xét xử lại phần đền bù dân sự của các bị cáo Phương, Chung, Bài.

Đến ngày 7-12-2011, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm được tuyên đã có những nhận định phù hợp với loạt bài điều tra trên Tiền Phong khi vụ án mới xảy ra: "Nguyễn Tiến Phương là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm”; “Xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh, muốn độc quyền địa bàn kinh doanh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nên Phương đã chỉ đạo cho Bài gọi điện cho đồng bọn, trong đó có em trai Phương là Chung, đến đánh để đe dọa, dằn mặt các đối thủ khác”.

Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ án phúc thẩm giảm hình phạt cho Phương, Chung, Bài là "chưa đánh giá đúng vai trò, tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng về hành vi phạm tội của từng bị cáo, đặc biệt là vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ huy của bị cáo Nguyễn Tiến Phương”. Với những nhận định như vậy, Hội đồng thẩm phán 11 người do ông Trương Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa đã tuyên hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại, theo hướng tăng hình phạt cho cả ba bị cáo; riêng Nguyễn Tiến Phương sẽ phải nhận hình phạt cao nhất, như án sơ thẩm đã tuyên.

"Chạy án"

Hậu vụ án Phương Linh Hột là hai vụ án khác, liên quan đến hành vi "chạy án" của em dâu ông trùm là Đỗ Thị Phương.

Sau khi án sơ thẩm tuyên phạt tử hình cả 2 anh em ông trùm, Đỗ Thị Phương đã mướn một băng chuyên đâm thuê chém mướn đòi lại cho chị ta một khoản tiền lớn, từ đối tượng Phạm Anh Tuấn (38 tuổi, trú tại Hải Dương).

Băng giang hồ này do Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 1960, trú tại Hà Nội) cầm đầu đã bắt Tuấn nhốt vào nhà nghỉ, ép phải trả tiền. Cùng với Đỗ Thị Phương, các đối tượng đã sa lưới pháp luật và phải hầu tòa với các tội danh "bắt giữ người trái pháp luật", "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng".

Tiếp theo, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam thêm một số đối tượng liên quan đến hành vi "chạy án" của Đỗ Thị Phương, gồm: Phạm Anh Tuấn - người trực tiếp nhận tiền "chạy án" từ Phương; Mạc Văn Nam (47 tuổi, trú tại Hà Nội) - người nhận tiền "chạy án" từ Tuấn.

Theo kết luận của CQĐT, Đỗ Thị Phương đã có hành vi "đưa hối lộ"; Phạm Anh Tuấn có hành vi "môi giới hối lộ"; Mạc Văn Nam có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng số tiền được dùng để đưa hối lộ trong vụ án này lên đến khoảng 1 triệu USD.

Cuối năm 2011, Công an huyện Quốc Oai - Hà Nội đã bắt được Vũ Huy Đô (sinh năm 1985, trú tại Móng Cái - Quảng Ninh). Đô là đàn em "cứng" của ông trùm Phương Linh Hột, tham gia tích cực vụ giết hai người hôm 30-5-2009 theo lệnh của ông trùm, sau đó bỏ trốn và bị truy nã. Sau khi bị bắt, Đô đã được bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Ninh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.