Ngư dân muốn được tiếp tục thuê đất

Ông Trong (thứ hai trái sang) và một số hội viên LCHNTTS huyện Tiên Lãng
Ông Trong (thứ hai trái sang) và một số hội viên LCHNTTS huyện Tiên Lãng
TP - Phát biểu với một số cơ quan báo chí, lãnh đạo huyện Tiên Lãng và lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định việc UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn có lý do là "đã hết thời hạn giao đất", và với mục đích "sẽ cho ông Vươn được thuê lại".

> Bị hại đề nghị nộp vật chứng cho CQĐT

Để hiểu rõ thực trạng sử dụng đất cũng như tâm tư nguyện vọng của ngư dân Tiên Lãng, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ (LCHNTTSNL) huyện, với sự có mặt của nhiều hội viên.

Ông Trong nói: "Chúng tôi có 38 hội viên, chủ yếu tập trung ở các xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Minh, Tiên Thắng... Đông hội viên nhất là các xã Đông Hưng và Vinh Quang. Chúng tôi được UBND huyện ra quyết định giao đất.

Thời hạn được giao có khác nhau, người ít thì 4 năm, nhiều nhất là 15 năm. Theo các quyết định giao đất, toàn bộ hội viên đều đã hết hạn".

Huyện xử lý việc thu hồi đất và cho các hộ có nhu cầu được thuê đất tiếp như thế nào?

Tất cả hội viên chúng tôi đều đã nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện. Các hội viên cũng như Ban chấp hành LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng đã gửi nhiều đơn và công văn đến các vị lãnh đạo huyện, đề xuất xin được tiếp tục thuê mặt đất, mặt nước, để bà con yên tâm sản xuất và làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Một số đơn được trả lời, như trường hợp ông Thảo, ông Vươn, ông Luân còn phần lớn không được trả lời (công văn của Liên chi hội cũng không được trả lời).

Có trường hợp nào bà con ngư dân giao trả đầm nuôi trồng thuỷ sản cho huyện, thưa ông?

Thời gian này, bà con không ai dám đầu tư tiếp, mà chỉ trông nom đầm và tài sản của mình đã đầu tư, hầu hết chưa ai trả lại. Trường hợp bị cưỡng chế đầu tiên là hộ ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng. Sau khi nhận quyết định cưỡng chế, cũng giống như ông Vươn, ông Luân sau này, ông Thảo đã khởi kiện ra toà hành chính, và đã bị hai cấp toà bác đơn.

Ông Thảo khiếu nại, Viện KSND Tối cao hai lần ra kháng nghị đề nghị huỷ hai bản án này, song không được TAND Tối cao chấp nhận. Cuối cùng thì UBND huyện đã cưỡng chế thu hồi đầm của ông Thảo mà không đền bù bất cứ tài sản nào trên đất cho gia đình ông. Sau khi bị cưỡng chế, ông Thảo phát bệnh và mất sau đó vài tháng…

Diện tích mặt đất, mặt nước thu hồi của gia đình ông Thảo, sau khi cưỡng chế, huyện quản lý, sử dụng thế nào?

Gia đình ông Thảo không được thuê lại một tí đất nào trong số diện tích bị thu hồi. Hiện toàn bộ diện tích này đã được cho người khác thuê.

Các đoàn của TP Hải Phòng và T.Ư về kiểm tra việc giao đất, thu hồi đất tại Tiên Lãng, đã có đoàn nào làm việc với LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng chưa, thưa ông?

Có đoàn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm việc với chúng tôi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân, và hứa sẽ chuyển các ý kiến của chúng tôi đến các cơ quan chức năng.

Nguyện vọng của toàn thể hội viên LCHNTTSNL chúng tôi là được thuê đất ổn định, lâu dài, đúng pháp luật, để bà con yên tâm sản xuất và làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Hội viên Nguyễn Thế Chuyên (43 tuổi, ở xã Đông Hưng) nói: "Năm 1992, tôi được giao 8 ha đầm ở xã Tây Hưng, đến năm 2006 thì nhận quyết định thu hồi, trả lại đầm mà không được thuê lại, không được bồi thường.

Tôi làm đơn khiếu nại, ông Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền gọi lên giao cho cái quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại. Từ đó đến nay, tôi không dám đầu tư gì, chỉ trông nom tài sản ở đầm và gửi đơn thư mong chờ các cơ quan cấp trên cứu xét".

Bị can Vươn đã mời luật sư bào chữa

Luật sư Nguyễn Việt Hùng (Văn phòng Luật sư Kinh Đô, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bị can Đoàn Văn Vươn đã có đơn mời luật sư Hùng bào chữa. "Đầu tuần tới, tôi sẽ làm thủ tục với cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng để sớm gặp thân chủ", luật sư Hùng nói.

Được biết, trong đơn mời luật sư Hùng đề ngày 31-01, bị can Vươn viết "Vào ngày 5-1-2012, trước sự phẫn uất một quyết định cưỡng chế (...) thu hồi đất đầm đối với hộ gia đình tôi và các anh em trong gia đình thể hiện không bồi thường, không giao lại và giao về cho xã Vinh Quang quản lý và sử dụng, nên tôi và các anh em trong gia đình đã chống lại lực lượng cưỡng chế, gây sát thương một số người, dẫn đến tôi và một số anh em tôi đã vi phạm pháp luật...".

Các bị can Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) cũng được bốn luật sư nhận bào chữa. Đó là các luật sư thuộc Cty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự, Cty Luật Dragon, đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, và các luật sư này đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.