Khúc bi tráng mang tên 'nông trường Sông Hậu'

Khúc bi tráng mang tên 'nông trường Sông Hậu'
TP - Những ngày rét buốt cuối năm Mão đầu năm Thìn, tin vụ án “lập quỹ trái phép” ở nông trường Sông Hậu được đình chỉ tựa như ngọn lửa nhỏ nhoi thôi nhưng ấm lòng bao người. Thế là hết âu lo phấp phỏng, từ khi vụ án được khởi tố, rồi đem ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

> Đình chỉ vụ án đối với bà Trần Ngọc Sương

Không lo sao được, khi nữ anh hùng Trần Ngọc Sương (gọi theo lối Nam Bộ là chị Ba Sương) có thể vào trại giam khi tuổi đã cao lại mang trong mình lắm trọng bệnh. Nhưng lo hơn, là chuyện chị có đáng bị truy cứu hình sự không, sẽ không còn cơ hội để phân giải, trả lời.

Tung hô người anh hùng thì dễ, nói cho thấu lý đạt tình về hành vi sử dụng quỹ (nên gọi là quỹ Đời Sống) của một giám đốc nông trường có nguy hiểm cho xã hội không, mới khó…

Để xét xử một người như chị Ba Sương, hồ sơ vụ án vẫn ngồn ngộn sai phạm tố tụng, khiến cả hai bản án phải hủy để điều tra, xét xử lại. Mừng cho bị cáo Ba Sương, và buồn cho công tác tố tụng. Nhưng ở ta các quy định tố tụng chỉ được coi là hình thức. Vấn đề cần làm rõ, chị Ba Sương có phạm tội “lập quỹ trái phép” không?

Trước tòa, các luật sư bào chữa cho chị ra sức chứng minh: Nếu muốn khởi tố, xét xử chị, phải tìm cho ra hành vi khác, chứ hành vi “lập quỹ trái phép” không thể gắn cho chị được; bởi đơn giản, chị không phải người lập ra cái “quỹ Đời Sống” ở nông trường Sông Hậu.

Điều ấy, cuối cùng cũng không được nêu trong quyết định đình chỉ vụ án! Chị Ba Sương được “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” bởi người ta xét đến hoàn cảnh lịch sử, đến những tình tiết giảm nhẹ, và cả công lao đóng góp của gia đình và bản thân chị!

…Cũng như người bố mình trước đây, chị Ba Sương từng bao phen chèo lái con thuyền mang tên “Nông trường Sông Hậu” đến với những bến bờ vinh quang, và cả những cơn mưa vùi sóng dập. Nói đến nông trường là nói đến đất đai, nông dân, chân lấm tay bùn, hạt lúa con cá.

Mà luật pháp lĩnh vực này thật lắm thay đổi, có những thời điểm khó rạch ròi phân minh đâu là tài sản sở hữu toàn dân, còn đâu thuộc về tập thể, cá nhân. Giữa mong manh công và tội, làm lợi và làm trái, ẩn hiện cái “quỹ Đời Sống” mà người lập ra chính là bố của chị - anh hùng Trần Ngọc Hoằng.

Có lẽ người ta còn quay lại với hồ sơ vụ án này, hay đúng hơn, sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng quá trình nông trường Sông Hậu hình thành, phát triển, rồi đi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đi từ đủ ăn đến “điện đường trường trạm”…

Có rất nhiều bài học sẽ được rút ra, từ những câu chuyện bi tráng. Và ai có thể nói đầy đủ hơn, say sưa hơn, thiết thực hơn, đắt giá hơn, về những khúc bi tráng của nông trường Sông Hậu, nếu không phải chị Ba Sương?

Qua rồi cơn sóng dữ, hy vọng chị Ba Sương sẽ lấy lại sức khỏe, và sẽ viết chút ít gì đấy. Những người như chị có lẽ sẽ không viết về chuyện pháp đình, câu chuyện của chị hẳn vẫn là chuyện chân lấm tay bùn, hạt lúa con cá, những việc đã làm được và cả những hoài bão mà người bố của chị và chị đang làm dang dở…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG