Thông tin nhiều phía

Thông tin nhiều phía
TP - Chiều qua, 12-12, qua điện thoại, PV Tiền Phong đặt vấn đề xin được gặp trực tiếp ông Trương Hoà Bình - Chánh án TAND Tối cao - để tiếp nhận thông tin, quan điểm của TAND Tối cao về vụ án 3 thanh niên ở Yên Nghĩa - Hà Đông.

Tiếp vụ "Tòa thượng thẩm bác kháng nghị kỳ án hiếp dâm”:

Thông tin nhiều phía

Uẩn khúc phiên tòa giám đốc thẩm vụ 'kỳ án hiếp dâm'
> Gặp lại ba thanh niên vụ 'bác kháng nghị kỳ án hiếp dâm'

Ông Bình cho biết do ông đang bận rất nhiều việc nên không gặp các PV được; tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết "quan điểm của TAND Tối cao phù hợp thông tin báo Công lý đã đăng tải, các PV có thể tham khảo trên trang web của báo Công lý".

Để đảm bảo thông tin nhiều chiều đến bạn đọc, Tiền Phong xin trích đăng bài viết "Bác kháng nghị "kỳ án" 3 thanh niên phạm tội hiếp dâm là đúng" của luật gia Đỗ Văn Chỉnh - nguyên Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao, đăng tải trên trang Web của báo Công lý ngày 11-12-2011.

Luật gia Đỗ Văn Chỉnh: Bác kháng nghị là đúng!

Mở đầu bài viết trên báo Công lý, luật gia Chỉnh  điểm lại diễn biến hành vi vi phạm pháp luật của ba bị án Lợi, Tình, Kiên (theo hồ sơ vụ án), và điểm lại diễn biến xét xử vụ án qua ba cấp.

Luật gia Đỗ Văn Chỉnh
Luật gia Đỗ Văn Chỉnh.

Sau đó, luật gia Chỉnh nêu rõ quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại phiên toà giám đốc thẩm ngày 07-12-2011 (lược trích):

- Lời khai của các bị cáo Lợi, Kiên, Tình tuy có sự mâu thuẫn với chính bị cáo, mâu thuẫn với lời khai của người bị hại (về hung khí các bị cáo sử dụng, về thứ tự lần lượt các bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm), nhưng các bị cáo đều khai thống nhất với người bị hại về thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm, số lượng người thực hiện tội phạm, số lượng người bị hại (một nam, một nữ). Các bị cáo cũng khai thống nhất về loại tài sản đã chiếm đoạt, và đều khai nhận có hiếp dâm.

- Các thiếu sót của CQĐT trong quá trình điều tra vụ án nêu trong bản kháng nghị không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, và đã được khắc phục; chúng không làm thay đổi được các lời khai nhận của các bị cáo, các lời khai của người bị hại về hành vi phạm tội của các bị cáo, về thiệt hại tài sản, tinh thần, danh dự nhân phẩm của người bị hại.

Tiếp đến, luật gia Chỉnh đưa ra quan điểm của ông, nhằm chứng minh Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của Viện KSNDTC là "đúng pháp luật". Luật gia Chỉnh viết:

Qua theo dõi vụ án này suốt cả quá trình, chúng tôi thấy có hai vấn đề đáng chú ý sau:

- Thứ nhất, Quyết định kháng nghị của Viện KSNDTC đề cập nhiều đến vi phạm thủ tục tố tụng của CQĐT trong giai đoạn điều tra vụ án, và đó là lý do căn bản của việc kháng nghị.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 3 Điều 273 Bộ luật TTHS: "Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử". Theo đó, chỉ có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án, mới được kháng nghị; vi phạm không nghiêm trọng, thì không được kháng nghị.

Theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: "Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật TTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện".

Xem xét các thiếu sót của CQĐT trong vụ án này mà bản kháng nghị đã nêu (chiếc áo phông bị hại thu được tại hiện trường đã giao nộp cho Công an xã Dương Nội, nhưng trong báo cáo của Công an xã này không có nội dung giữ chiếc áo phông; CQĐT thu giữ lá thư của bị cáo Lợi không đúng trình tự?) thì thấy các thiếu sót này không xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo Lợi, Tình, Kiên, cũng không xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại, và cũng không làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện.

- Thứ hai, Theo Điều 72 Bộ luật TTHS, lời nhận tội của bị can, bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, thì được coi là chứng cứ của vụ án; lời nhận tội không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, thì không được coi là chứng cứ của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ.

Các lời khai nhận tội của các bị cáo Lợi, Tình, Kiên phù hợp với lời khai và kết quả khám thương tích của những người bị hại; phù hợp với lời khai của người làm chứng là các cán bộ, bộ đội ở đơn vị A40; phù hợp với vật chứng vụ án là chiếc áo phông của bị cáo Lợi, chiếc đồng hồ, xe máy của bị hại tại hiện trường vụ án. Các lời khai nhận tội của Lợi, Tình, Kiên và các lời trình bày của người bị hại là tiếng nói của người trong cuộc, là sự thật khách quan, được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm làm sáng tỏ tại phiên tòa, nên đáng tin. Tòa án các cấp sử dụng các lời khai nhận tội của Lợi, Tình, Kiên làm chứng cứ để kết tội các bị cáo này là đúng với quy định của Bộ luật TTHS.

Sau khi đưa ra các quan điểm trên đây, luật gia Chỉnh kết luận:

Những tình tiết mà kháng nghị nêu ra không phải là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, với sự thật khách quan, nên Hội đồng thẩm phán TANDTC bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm là đúng pháp luật.

Ba thanh niên trong vụ kỳ án hiếp dâm trong cuộc gặp gỡ tại báo Tiền Phong.
Ba thanh niên trong vụ kỳ án hiếp dâm trong cuộc gặp gỡ tại báo Tiền Phong..

Luật sư Nông Thị Hồng Hà:

Bỏ qua nhiều nhân chứng!

TP - Luật sư Nông Thị Hồng Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội, tham gia bào chữa cho 3 bị án tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm) cho rằng, tại hai phiên toà này, nhiều nhân chứng không được mời đến tòa; lời khai rất đáng chú ý của họ, có lợi cho lời kêu oan của các bị án, không được HĐXX xem xét.

Về chiếc áo vật chứng bị coi là của bị án Lợi, tại CQĐT có hai nhân chứng (bà Thêu và anh Cường) nhận dạng đây là áo của Lợi, song trước khi mở toà, họ đều có văn bản yêu cầu đính chính. Chẳng hạn bà Thêu phát biểu rõ “Tôi không nói chiếc áo được xem là của Lợi, mà chỉ nói chiếc áo này giống áo của con cả anh Lộc (tức Lợi) mặc mà thôi".

Về tình tiết các bị án có mặt tại nhà chị Doàn thời điểm xảy ra vụ án, nhiều nhân chứng đã có văn bản xác nhận gửi đến toà án, nhưng không được HĐXX xem xét. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị toà triệu tập các nhân chứng (Thêu, Cường, Doan, Uyên), song không được toà án các cấp chấp thuận.

Nguyên Phó thủ trưởng CQĐT Lã Ngọc Tỉnh:

Chưa đề cập đến chứng cứ gỡ tội?

TP - Theo ông Tỉnh, quá trình điều tra vụ án trước đây, và quá trình xác minh theo đơn khiếu nại - tố cáo sau này, đã xuất hiện hoặc củng cố rõ hơn nhiều tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo; tuy nhiên, những tình tiết, chứng cứ này không được xem xét (hoặc xem xét không thoả đáng) tại các phiên tòa, cũng như trong bài viết của luật gia Đỗ Văn Chỉnh.

Thông tin nhiều phía ảnh 3
Nguyên Phó thủ trưởng CQĐT Lã Ngọc Tỉnh.

Ông Tỉnh dẫn chứng ra hai trong số hàng loạt tình tiết gỡ tội cho các bị án Lợi, Tình, Kiên:

- Về hướng đi của các đối tượng gây án. Hai bị hại khai, họ nhìn thấy 3 đối tượng đi qua đơn vị A40, vòng qua cầu Hai Cây, sang bờ mương họ ngồi. Còn 3 bị án khai họ đi từ cầu Hai Cây, qua đơn vị A40, giấu quần áo ở đây rồi lội sang chỗ hai bị hại ngồi. Như vậy, theo bị hại, các đối tượng không "lội qua mương", còn theo bị cáo, họ đã "lội qua mương", trước khi gây án.

Lời khai nào có căn cứ?

Lời khai của các bị hại phù hợp với các lời khai mô tả về hành vi hiếp dâm (không đối tượng nào có quần áo, chân cẳng ướt nước hoặc dính bùn).

Lời khai của các bị cáo - chẳng hạn Kiên - khai lội qua mương không bị ướt, lúc khai nước mương sâu đến gối, lúc khai sâu đến mắt cá chân. Những mâu thuẫn này cho phép nhận định Kiên không lội qua mương, nên không thể nói chính xác nước mương sâu đến đâu (trong khi đó, người đã lội qua mương - một trong hai bị hại - khai "nước sâu đến thắt lưng tôi").

- Về chứng cứ ngoại phạm của 3 bị án. Lúc đầu các bị án khai nhận tội, nhưng sau đó cả 3 đều phản cung, khai rõ: Tối hôm xảy ra vụ án 24-10-2000, ba bị án đến chơi nhà chị Uyên, chị Bền, rồi đến dự sinh nhật chị Doàn.

Ông Tỉnh khẳng định, đây là chứng cứ ngoại phạm của 3 bị án. Việc họ đi dự sinh nhật chị Doàn từ 22h đến 22h30 ngày 24-10-2000 (thời gian xảy ra vụ án) được xác thực qua lời khai của các nhân chứng Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Xuyến, người ghi lời khai là một điều tra viên tên Chiến, người chứng kiến là anh Nguyễn Đình Cộng - nhân viên an ninh thôn Nghĩa Lộ. Ông Tỉnh nhấn mạnh "CQĐT Công an tỉnh Hà Tây đã điều tra làm rõ, nhưng các tài liệu về việc này (biên bản ghi lời khai của hàng loạt nhân chứng) không được đưa vào hồ sơ".

Tình tiết này sau đó có được làm rõ tại tòa?

Ông Tỉnh thống kê: Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đặt ra 99 câu hỏi với bị án Lợi, 47 câu hỏi với bị án Tình, 34 câu hỏi với bị án Kiên, nhưng trong đó chỉ có 03 câu hỏi về sinh nhật chị Doàn (chị Doàn và nhiều nhân chứng khác không được mời đến toà). Tại phiên phúc thẩm, Chủ toạ hỏi các bị án tổng cộng 25 câu, nhưng không có câu nào về việc sinh nhật chị Doàn!

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền:

Sẽ xem xét, nếu có đơn

TP - Theo ông Quyền, nếu 3 thanh niên làng Yên Nghĩa - Hà Đông có đơn đề nghị gửi tới Ủy ban tư pháp Quốc hội, Thường trực Uỷ ban với 9 thành viên sẽ nghiên cứu nội dung đơn, thảo luận và đi đến quyết định có giám sát hoặc không giám sát nội dung bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Thông tin nhiều phía ảnh 4
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.

Trường hợp đó, Ủy ban Tư pháp sẽ tiến hành những thủ tục nào, thưa ông?

Chúng tôi 9 thành viên sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, cũng như những chứng cứ, tài liệu liên quan. Nếu phát hiện thấy "có vấn đề" trong quá trình xét xử, chúng tôi sẽ đề xuất những nội dung cần thiết để Hội đồng thẩm phán xem xét. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế xét xử lại kết quả giám đốc thẩm.

Như vậy là câu chuyện của ba thanh niên đã đi đến hồi kết?

Về hình sự là hết. Bởi theo quy định hiện hành, việc yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán chỉ tồn tại ở tố tụng hành chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG