Bảo vệ côn đồ - sinh viên nhập viện

Bảo vệ côn đồ - sinh viên nhập viện
TP - Chuyện xảy ra đêm 22-9, tại Trường Cao đẳng Truyền hình Việt Nam (CĐTHVN, đóng tại Thường Tín, Hà Nội).

Đêm ấy, ba chàng sinh viên nội trú vừa nhập trường là Nguyễn Thế Hiếu (SN 1989), Võ Xuân Đức (SN 1992) và Chu Văn Quý (SN 1993) đi chơi về muộn quá 23 giờ mất mấy phút...

Sinh viên Hiếu điều trị tại bệnh viện Ảnh: P.V
Sinh viên Hiếu điều trị tại bệnh viện Ảnh: P.V.

Ba sinh viên xin bảo vệ trường mở cổng cho vào, nhưng không được. Đức và Quý trèo tường vào, bị bảo vệ bắt được, và bị đánh. Hiếu đứng ở cổng thấy bạn bị đánh, có lên tiếng “các ông không được đánh người”. Đôi bên lời qua tiếng lại, sau đó Hiếu bỏ đi tìm nhà trọ để nghỉ.

Trình bày của sinh viên

Theo trình bày của Hiếu, do không tìm được nhà trọ, Hiếu lại quay về trường, xin bảo vệ mở cổng cho vào. Ba người bảo vệ mở cổng. Hiếu bước vào, họ lập tức dùng dùi cui đánh túi bụi. Rồi họ lôi Hiếu vào phòng bảo vệ, tiếp tục dùng dùi cui đánh. Hiếu bỏ chạy được ra ngoài cổng, nhưng các bảo vệ đuổi theo, bắt Hiếu trở lại và tiếp tục đánh.

Lần này, màn đánh đập dữ dội hơn. Một lần nữa, Hiếu lại chạy thoát được ra ngoài, song chưa đi được xa thì những người bảo vệ lại đuổi theo, họ đánh Hiếu đến ngất xỉu.

Khi Hiếu tỉnh dậy, mới biết mình đã được các bạn ở cùng phòng ra cõng vào. Hiếu không muốn báo cho gia đình, song do thấy Hiếu bị quá nhiều vết thương, các bạn Hiếu đã gọi điện báo cho mẹ của Hiếu ngay trong đêm.

Trình bày của phụ huynh

Bà Ngô Thị Hoa (SN 1970, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) trình bày với PV Tiền Phong: “Đêm ấy, nghe bạn cháu gọi điện, tôi tức tốc thuê xe ôm, đến trường cháu lúc 2h30. Tôi xin bảo vệ cho tôi vào đưa con tôi đi bệnh viện, nhưng họ không mở cổng. Tôi phải đợi đến 5h00 sáng, họ mới mở. Tôi vào phòng, thì thấy con tôi toàn thân bầm dập, thể lực rất yếu, tôi lập tức đưa cháu đến bệnh viện Thường Tín cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt Đức”.

Theo bà Hoa, sinh viên Hiếu đã bị tổng cộng 27 vết bầm tím hầu như khắp người, nặng nhất là bị rạn xương bàn chân trái. Sau khi điều trị tại bệnh viện khoảng một tuần, gia đình đã xin cho Hiếu ra điều trị ngoại trú.

“Con tôi hiện vẫn chưa đi lại được bình thường, vẫn đang nằm nhà, chân bó thuốc. Điều đáng buồn nhất là cháu có dấu hiệu hoảng loạn, không còn muốn tiếp tục theo học tại trường đó nữa”.

Bảo vệ nói gì

Ca bảo vệ Trường CĐTHVN hôm đó gồm Nguyễn Bá Khoa, Trần Văn Thái, và tổ trưởng Nguyễn Cao Giang, cả ba là nhân viên Cty Cổ phần dịch vụ bảo vệ Hồng Phát có trụ sở tại huyện Thường Tín (Hà Nội).

Theo “Biên bản sự việc” do tổ bảo vệ này lập, ba sinh viên Hiếu, Đức, Quý hôm đó “nhảy cổng, vào trường bất hợp pháp”; “sinh viên Hiếu trong tình trạng say rượu, có hành vi chửi bới, đe dọa hành hung bảo vệ”. Vì vậy, tổ bảo vệ buộc cả ba vào phòng để lập biên bản, nhưng sinh viên Hiếu đã “nhảy qua cửa phụ của trường để thoát ra ngoài, khi bỏ chạy Hiếu đã vấp phải dây thép ở vỉa hè cách cổng trường khoảng 100m và ngã xuống đường”. Sau đó, Hiếu được đưa trở lại phòng bảo vệ để lập biên bản...

Theo văn bản của Trường CĐTHVN, sau khi tổ bảo vệ lập biên bản, họ đã báo cán bộ quản lý. “Quá trình nhận ba sinh viên vào trường, có học sinh Hiếu kêu bị đau, khai do tổ bảo vệ ngoài cổng dùng dùi cui đánh. Vì thế, sáng 23-9, nhà trường cùng gia đình đã cho Hiếu đi bệnh viện điều trị”.

Xử lý?

Sinh viên Hiếu đã có đơn tố cáo hành vi côn đồ của những người bảo vệ, gửi tới Công an huyện Thường Tín. Bước đầu, Công an Thường Tín đã lấy lời khai của các đương sự, và chờ các vết thương của Hiếu ổn định để trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe.

Được biết, ba bảo vệ đã gây thương tích cho Hiếu hiện vẫn đi làm bình thường. Không ai trong số họ đến thăm hỏi nạn nhân trong suốt thời gian Hiếu điều trị tại bệnh viện.

Vụ việc đang gây bức xúc cho sinh viên, phụ huynh của trường CĐTHVN. Một người dân sống gần cổng trường cho biết, chuyện bảo vệ trường này đánh sinh viên đã từng xảy ra nhiều rồi.

Ai được phép sử dụng dùi cui đánh người?

Ý kiến của luật sư - thạc sĩ Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh): Mặc dù tại thời điểm gây thương tích cho sinh viên Hiếu, ba bảo vệ của Cty Hồng Phát đang thi hành nhiệm vụ, tuy nhiên khi biết rõ những người đang muốn được vào trường là những sinh viên của trường và họ chỉ có lỗi đi về muộn, thì theo tôi việc gây thương tích cho sinh viên không thể được coi là “gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ” theo Điều 107 BLHS.

Trái lại, theo tôi, việc họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ, nhưng lại cố ý gây thương tích cho người khác như trường hợp sinh viên Hiếu, chính là tình tiết tăng nặng, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 48 BLHS (lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội).

Do việc gây thương tích cho sinh viên Hiếu không thuộc trường hợp “gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ”, nên hành vi sử dụng dùi cui để gây thương tích không được coi là “sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ”, mà trái lại, nó phải bị coi là “sử dụng hung khí nguy hiểm” theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.