Nhiều người tố cáo tham nhũng bị trả thù

Ông Nguyễn Kim Hợp bên khu đất và ao bị cưỡng chế thu hồi. Ảnh: M.Thùy
Ông Nguyễn Kim Hợp bên khu đất và ao bị cưỡng chế thu hồi. Ảnh: M.Thùy
TP - Không ít người tố cáo tham nhũng, tiêu cực đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi.

> Hà Nội: 5 năm, tham nhũng 1.140 tỷ đồng

Ông Nguyễn Kim Hợp bên khu đất và ao bị cưỡng chế thu hồi. Ảnh: M.Thùy
Ông Nguyễn Kim Hợp bên khu đất và ao bị cưỡng chế thu hồi. Ảnh: M.Thùy.

Có người bị trù úm, sa thải, đuổi việc; người bị khủng bố tinh thần, bị đánh trọng thương, đe dọa tính mạng; thậm chí bị ném mìn vào nhà, bị giết hại.

“Những trường hợp trên tuy không nhiều so với những vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua tố cáo, song chúng gây bức xúc cho xã hội, khiến cho nhiều người không muốn tố cáo hoặc không dám tố cáo các hành vi tham nhũng”- thông tin trên được ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng”, diễn ra sáng qua tại Hà Nội.

Bị cách chức, đuổi việc vì chống tiêu cực

Lãnh đạo Văn Phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN cho rằng, không chỉ người chống tham nhũng mà người thân của họ cũng bị vạ lây. Trong đó, có trường hợp bố mẹ chống tham nhũng thì con cái không được bổ nhiệm, bị thôi việc; nông dân thì bị phá hoa màu, bị đe dọa tính mạng, người thân lâm vào tình trạng hoảng loạn tinh thần; thậm chí có người vợ của người đấu tranh chống tham nhũng chết vì không chịu nổi áp lực của sự đe dọa…

Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN cũng nêu một số trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trả thù trong mấy năm gần đây. Điển hình, ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức vụ Bí thư và chỉ đạo miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND phường.

Bà Phan Thị Thanh Hương, nguyên cán bộ một tờ báo bị cơ quan cho thôi việc, thu thẻ nhà báo do đấu tranh với những việc làm sai trái của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan.

Ông Nguyễn Kim Hợp (ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tố cáo một số cán bộ xã, huyện đã cấp và bán trái phép hơn 300.000m2 đất, khiến một số cán bộ sai phạm bị phạt tù. Song, ông Hợp lại đang bị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (quận Tây Hồ, Hà Nội) liên tục bị khủng bố qua điện thoại, bị đổ phân, ném chuột chết vào nhà; con cái đi đường bị chặn xe, dọa nạt…

Chùn chân do sợ trả thù

Theo số liệu điều tra của Viện Xã hội học-Viện KHXH Việt Nam đưa ra tại hội thảo, có 53,2% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng trù úm người tố giác hành vi tham nhũng; Kỳ thị, phân biệt đối xử chiếm 34,8%; Xâm hại về lợi ích kinh tế, thân thể, sức khỏe chiếm tỷ lệ khoảng 20%.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an), ông Ngô Mạnh Hùng (Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng TTCP) cùng một số đại biểu nhận định: Việc các đối tượng tham nhũng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng khiến một bộ phận quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên e ngại, né tránh, không dám tố cáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn thấp.

“Số người tố cáo tham nhũng trong mấy năm vừa qua còn ít, nhiều người trong số họ bị trả thù dưới các hình thức khác nhau, cuộc chiến chống tham nhũng đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn”- Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, ông Nguyễn Đình Phách, nói.

Cần cụ thể cơ chế bảo vệ, đãi ngộ người tố cáo

Cũng theo ông Nguyễn Đình Phách, để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cần phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó cần có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người dám tố cáo, kiên trì tố cáo những hành vi tham nhũng.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo “Quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng”. Trong đó, sẽ quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nguyên tắc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, thời hạn bảo vệ, quyền và trách nhiệm của người tố cáo…

Để bảo vệ an toàn cho những người dám tố cáo hành vi tham nhũng, nhiều ý kiến đề xuất cần có một giải pháp mang tính tổng thể, bao gồm: Các điều luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về hình thức bảo vệ, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng trả thù và có chế độ thù lao, đãi ngộ xứng đáng cho người tố cáo bị xâm hại, cũng như khen thưởng, biểu dương người phát hiện, tố cáo tham nhũng.

“Có thực tế người đi tố cáo yếu hơn người bị tố cáo, ví dụ như cán bộ công chức bình thường tố cáo lãnh đạo. Người có chức có quyền có lợi thế về kinh tế, địa vị chính trị để có những hành động trả thù trù dập người tố cáo. Nhẹ thì có thể phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc thậm chí có thể có những hành động trả thù tàn bạo hơn.

Tôi tâm đắc rằng muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xem xét xử lý thông tin người ta tố cáo nhanh chóng, kịp thời, triệt để. Ví như ở Trung Quốc, nếu có bằng chứng tương đối cụ thể về người bị tố cáo tham nhũng thì họ sẽ thực hiện biện pháp cách ly ra khỏi xã hội.

Việc làm này để người bị tố cáo không có điều kiện liên hệ với những người khác, không còn điều kiện để trả thù người tố cáo. Đây cũng là kinh nghiệm chúng ta có thể tham khảo”- ông Lê Văn Lân trao đổi với báo chí bên lề hội thảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG