Những vụ án bắt cóc “nghẹt thở” tại Việt Nam (Phần 3)
'Con tin' làm chùng tay súng kẻ bắt cóc
> Phần 2: Khống chế bé gái hai tuổi để cướp tiệm vàng
> Phần 1: Bị bắt vì khoản nợ… trên trời
Súng AK, 21 viên đạn và quả lưu đạn do Minh dùng khống chế nữ sinh được lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: Tiền Phong |
Tình huống bất ngờ
Khoảng 18h chiều 16-1-2010, em Trần Thị Thu Trang, học sinh lớp 10 đang đi cùng 2 người bạn vào một tiệm may để lấy quần áo thì nghe thấy mấy tiếng súng nổ chát chúa.
Chưa kịp hoàn hồn thì một thanh niên vác súng AK chạy xộc vào tiệm may. Hai người bạn nhanh chân chạy thoát còn Trang thì bị thanh niên này khống chế đưa vào nhà nghỉ Như Phước nằm trên đường Cao Xuân Dục, TP. Huế (cách tiệm may vài chục mét).
Lúc đó, nhà nghỉ Như Phước không có khách, chỉ có một mình con trai ông chủ trông coi. Thấy gã thanh niên cầm súng xuất hiện, con trai chủ nhà nghỉ đã hốt hoảng trốn vào phòng kín, sau đó thoát ra ngoài an toàn. Kẻ bắt cóc đã đưa cô nữ sinh lên một phòng nghỉ trên tầng ba để cố thủ.
Gần nửa giờ sau, lực lượng CA, quân đội, đặc công đã bao vây khu vực nhà nghỉ Như Phước để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và áp sát tiếp cận đối tượng. Danh tính người bắt cóc được xác định là Nguyễn Văn Minh, trung sĩ thuộc một đơn vị đóng quân tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khi nghe tin người yêu đi lấy người khác Minh liền tức tốc vào Huế để “rửa hận”. Minh đã lấy cắp của đơn vị một khẩu súng AK cùng 36 viên đạn…
Cô gái mà Minh muốn tìm từng là vợ chưa cưới của Minh, trú tại tại phường An Tây, TP Huế. Bố của cô gái cho CA biết, khoảng hơn 5h chiều ngày hôm đó, Minh tìm đến nhà cùng với khẩu súng AK.
Trước khi Minh xuất hiện, bố cô gái đã được đơn vị của Minh gọi điện báo trước nên ông đã báo cho CA phường An Tây. Khi CA phường cùng lực lượng cảnh vệ quân đội xuất hiện, Minh đã bỏ chạy và sau đó bắt cóc em Trang như đã nói ở trên.
Bố của cô gái cho biết thêm, gia đình Minh đã vào dạm ngõ con gái ông vào dịp đầu năm 2010. Ban đầu vợ chồng ông nhận lời nhưng rồi thấy con gái còn đang đi học (Trường cao đẳng nghề du lịch Huế), Minh lại đang tại ngũ, nên ông chưa đồng ý. Ông cũng khẳng định, không có chuyện con gái ông đi lấy người khác, mà do Minh đã nghe thông tin không chính xác.
Lực lượng đặc nhiệm tác nghiệp trong đêm. Ảnh: Tiền Phong |
Cuộc đấu trí
Lực lượng vây bắt Minh quyết định đưa mẹ, bạn bè và thủ trưởng của Minh từ Quảng Bình, Quảng Trị vào Huế, đến hiện trường để tìm cách thuyết phục Minh thả em Trang, đầu hàng để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên Minh vẫn cố thủ và thỉnh thoảng lại nổ súng chỉ thiên.
Các lực lượng CA, quân đội, đặc biệt là lực lượng đặc công của tỉnh đội, lực lượng đặc nhiệm của CA tỉnh đã tiếp cận nhà nghỉ từ nhiều phía, đồng thời di tản những người dân sống gần đó đi nơi khác để bảo đảm an toàn trong những trường hợp buộc phải nổ súng.
Đến khoảng 23h45, lực lượng đặc nhiệm bắt đầu tràn vào nhà nghỉ. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn đang có mặt tại hiện trường chỉ đạo phá án. Trong nhà nghỉ, Minh cứ bật đèn quan sát bên ngoài rồi tắt đèn, liên tục nhiều lần. Còn bên ngoài, những người bạn trong quân ngũ của Minh tiếp tục gọi điện thuyết phục Minh. Lúc đó, mọi động tác đều phải thận trọng vì có thông tin cho rằng Minh có cả lựu đạn.
Sau nhiều tiếng đồng hồ thuyết phục nhưng không thành, đến 5h5 sáng 17-1, lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn cay ném vào nhà nghỉ. 15 phút sau lực lượng đặc công đã khống chế được Minh, đưa em Trang cùng Minh đều bị trúng hơi cay ra ngoài, đi cấp cứu. Như vậy, sau 12 tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, các lực lượng CA và quân đội đã giải cứu được con tin khỏi sự nguy hiểm.
Người dân khu vực phường Vỹ Dạ, Huế, có một đêm không ngủ vì vụ bắt cóc. Đến gần 6 giờ sáng hôm đó, khu vực xảy ra vụ bắt cóc vẫn đông kín người. Ảnh: Tiền Phong |
Chính “con tin” đã thuyết phục kẻ bắt cóc
Em Trần Thị Thu Trang, nạn nhân vụ bắt cóc kể lại, khi lên đến phòng 314 của nhà nghỉ Như Phước, Minh tỏ ra rất hung dữ, hình như đang tức giận ai đó. Minh quát Trang: “Mi có muốn chết hay không?”. Khi Trang hỏi Minh vì sao lại chọn cái chết, Minh trả lời cộc lốc: “Tao hận…”.
Trang kể, lúc đó em rất sợ nhưng vẫn kịp lấy được bình tĩnh, cố khuyên Minh bỏ súng để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lúc đầu Minh phản ứng mạnh nhưng khi Trang tâm sự với Minh là cũng có anh trai là bộ đội, Minh “hiền” dần và chuyển sang xưng hô anh - em với Trang chứ không như gọi “tao - mi” nữa.
Minh hỏi Trang rất nhiều chuyện như gia đình Trang có mấy người, ba mẹ làm nghề gì, học lớp mấy… Sự ngây thơ, trong sáng của Trang đã khiến sự căng thẳng dịu dần, Minh tâm sự với Trang về nguyên nhân mình trộm súng của đơn vị vào Huế “xử” người yêu. Minh rất buồn khi chia tay với người yêu và đau khổ hơn khi nghe người tình cũ có “người mới”.
Gần sáng, Minh hứa với Trang: “Anh không làm hại em đâu”. Minh cũng xin lỗi Trang vì đã đưa Trang vào vụ việc. Minh nói, đến 7h sáng sẽ thả em về với gia đình còn mình sẽ tự sát. Giọng Minh nghẹn lại: “Khi chết anh sẽ phù hộ cho em học giỏi”…
Tay súng của Minh chùng xuống, sự kiên quyết lúc đầu không còn trên khuôn mặt của người thanh niên si tình nữa. Hơn 5h sáng, hơi cay giăng kín căn phòng, Trang ngất đi. Lúc tỉnh lại, em đã thấy mình nằm trong bệnh viện.
Trong lễ chào cờ đầu tuần Trang được thầy hiệu trưởng tuyên dương vì đã bình tĩnh vượt qua khó khăn, cùng những tác động tình cảm khiến hung thủ chùng tay để giúp cho lực lượng an ninh cùng quân đội phá án kịp thời.
(Còn nữa)
Theo Minh Đạo
Pháp luật&Xã hội