Vụ “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Sự thật phải được làm rõ

Vụ “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Sự thật phải được làm rõ
TP - Kết thúc ngày làm việc thứ năm, 23/6, thẩm phán Giáp Văn Phán của TAND tỉnh Bắc Giang, người ngồi ghế chủ tọa phiên toà, tuyên bố HĐXX gồm 5 người sẽ nghỉ để nghị án. Ngày 28/6, phiên toà sẽ mở trở lại để nghe HĐXX tuyên án.

Được nói lời cuối cùng, cả 8 bị cáo đều tiếp tục kêu oan, và mong được HĐXX sẽ minh oan, tuyên bố họ “không phạm tội” và trả tự do cho họ ngay tại toà; riêng bị cáo Nguyễn Quý Đoan (bị truy tố thêm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Như Tiền phong số trước đã nêu, tại toà, sau khi có điều kiện đối chiếu các sự kiện từ ngày dương lịch sang ngày âm lịch, bị cáo Đoan đã khai ra các tình tiết ngoại phạm có lợi cho lời kêu oan của Đoan.

Một trong những tình tiết đó, là vào ngày 23/7/2003 (tức ngày 24/6 Quý Mùi), bị cáo Đoan không đi ăn trộm tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Bắc Giang như cáo trạng cáo buộc, mà có mặt tại nhà chị Vũ Thị Yến ở xóm Công (xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) để khâm liệm và nhập áo quan cho chồng chị Yến vừa mới mất.

Tại ngày làm việc thứ năm, 23/6, HĐXX đã cho quay lại phần thẩm vấn, tạo điều kiện cho nhân chứng Vũ Thị Yến và một số người ở xã Mão Điền (được luật sư Nguyễn Việt Hùng mời đến toà) có điều kiện trình bày trước toà.

Nhân chứng Yến và một số nhân chứng khác đã khai trước toà: Bị cáo Nguyễn Quý Đoan đã khâm liệm và nhập áo quan cho người quá cố (chồng của chị Yến) vào thượng tuần tháng 7/2003. Còn sự việc này diễn ra chính xác vào ngày 22/7/2003 hay 23/7/2003, lời khai của các nhân chứng còn có sự lẫn lộn, mâu thuẫn.

Sau khi thẩm vấn các nhân chứng, các kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại toà phát biểu “không chấp nhận bị cáo Đoan có chứng cứ ngoại phạm”, và vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội bị cáo.

Mặc dù có sự lẫn lộn (về ngày mất, ngày khâm liệm - nhập quan, và ngày đưa người mất ra đồng), song có một ngày chị Yến khai trước toà trước sau như một: Ngày giỗ chồng chị là 23/6 Quý Mùi (tức 22/7/2003).

Thực ra, khi làm việc với các phóng viên và luật sư, chị Yến và nhiều người trong gia đình cũng đã có sự lẫn lộn; chỉ nhớ chuẩn ngày giỗ chồng chị (là ngày chị và mọi người không thể quên, vì phải làm giỗ hàng năm), từ đó các phóng viên và luật sư mới có cơ sở tin cậy để đưa sự kiện này lên mặt báo và trình bày trước toà…

Việc xác định ngày mất của chồng chị Yến là không khó, bởi còn nhiều người ở xã Mão Điền biết sự việc này, đặc biệt là trong sổ hộ tịch của xã rất có thể có ghi lại ngày tháng.

Đây là sự kiện xác minh không hề khó, song những người dự toà không thể hiểu nổi tại sao các công tố viên vẫn khăng khăng từ chối việc tạm dừng phiên toà để đi xác minh, thay vào đó, họ chỉ nhăm nhăm giữ nguyên lời buộc tội các bị cáo?

Và những người dự toà không thể không đặt câu hỏi: Với cách “điều tra” và luận tội như vậy, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát sẽ giải oan cho các bị cáo bằng cách nào, nếu quả thực các bị cáo trong vụ án này bị oan?!

MỚI - NÓNG