Các game thủ đang luyện “nội công” trong một tiệm internet trên đường Đống Đa. |
Và như thế họ tiếp tục trượt dài trên con dốc như một chiếc xe không phanh, đốt cháy những tháng ngày tuổi trẻ. Game online, bản thân nó là hình thức giải trí, nhưng với những gì đang diễn ra thời gian gần đây khiến chúng ta phải giật mình với...
Game online không Đơn thuần là giải trí?
Ban đầu Game online ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí sau giờ làm việc mệt mỏi và học tập căng thẳng. Nó thu hút một lượng lớn người tham gia khám phá và chinh phục đỉnh cao của thứ trò chơi trên internet, từ đó đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Nhưng thực tế cho thấy, thế giới game online ngày càng tăng yếu tố bạo lực, đề cao giết chóc, tra tấn gây kích động cho người chơi.
Có thể kể ra một số game như “Chinh đồ”, “Võ Lâm truyền kỳ”, “Đột kích”, “Cao bồi không gian”… Nguyễn Thành Tâm (1988) một game thủ, cho biết: “Em chơi game cách đây 2 năm, thời gian đó chỉ biết đắm chìm trong thứ trò chơi ảo nhưng tác hại thật. Bây giờ nghĩ lại thấy nó có sức hút thật ghê gớm, liên tiếp những ngày không ăn uống, không học tập, trong suy nghĩ lúc nào cũng tìm cách để chinh phục bằng được mục tiêu”.
Ảnh hưởng tới việc học, việc làm, các game thủ bước vào thế giới ảo đang tự hủy hoại tâm hồn, sự nhạy cảm, tình yêu thương của chính bản thân họ. Bởi lẽ tràn ngập trong game là môi trường xã hội đen, đánh nhau, chém giết và dù chiến thắng hay bại trận những vũng máu là kết quả cuối cùng.
Game thủ tưởng tượng mình như một vị tướng dẫn hàng ngàn quân, bày binh bố trận để đánh bại đối thủ, niềm vui nhỏ nhoi trong chốc lát phải đánh đổi biết bao thời gian, công sức, tiền bạc…
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi tới tiệm internet T.B (đường Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) để thực tế. Chủ tiệm net cho biết: “Cửa hàng của tôi có 30 máy, hoạt động được hơn 4 năm rồi. Những trò chơi bạo lực được cài đặt sẵn trên máy rất nhiều, muốn chơi trò nào cũng có”.
Ở đây chúng tôi chứng kiến một môi trường không lành mạnh, những câu chửi thề liên tiếp “đối qua, đáp lại” từ em học sinh còn tuổi đeo khăn quàng đỏ cho tới thanh niên, dẫn tới xô sát nhau ngay tại quán.
Qua tìm hiểu một số game thủ để lấy tư liệu cho bài viết, đa số họ đều nói mỗi ngày luyện “nội công” từ 5-6 tiếng đồng hồ, một số khác nghiện nặng 8-9 tiếng, có khi suốt ngày đêm. Thời gian nào cho công việc, học tập, gia đình và giao tiếp xã hội? Họ không ý thức được khả năng quan hệ xã hội đang bị mai một dần.
Những hành động bất thường, những căn bệnh như đột qụy, trầm cảm, những lệch lạc về nhân cách đạo đức, những tác hại về sức khỏe do ngồi hằng giờ trên máy tính, căng thẳng thần kinh, rối loạn tâm lý… đã chứng minh game online bây giờ không còn là một trò chơi giải trí thông thường.
Tính từ năm 2000 tới tháng 6-2009, số người sử dụng internet ở nước ta tăng từ 200 ngàn người lên 22 triệu người; trong đó sử dụng internet vào mục đích chơi game chiếm tỷ lệ hơn một nửa. Bên cạnh những người ý thức rõ tác hại về game, một số khác lại ngộ nhận chơi game mang lại lợi ích như óc quan sát nhạy bén, linh hoạt, rèn luyện khả năng tập trung tư duy cao độ. Thế nhưng, thực tế các game thủ không thể áp dụng khả năng trên vào đời sống và học tập.
Tấm bảng quảng cáo mang tính bạo lực được dán đầy trên đường phố. |
Ranh giới mong manh
Cách đây không lâu, phương tiện thông tin đại chúng nêu trường hợp em Phạm Quốc Thái (Tiền Giang) đã giết ông ngoại của mình chỉ vì ông rầy la và không cho tiền chơi game. Tình tiết của vụ án được các cơ quan chức năng xác nhận bị ảnh hưởng của game online.
Đây không phải là vụ án đầu tiên có liên quan tới vấn nạn game online, trong vài năm trở lại đây những vụ án tương tự đã liên tiếp xảy ra và đó là lời cảnh báo về tác hại của thứ trò chơi mang tính bạo lực.
Ranh giới phạm tội sẽ trở nên mong manh nếu nghiện game, thế nhưng biết bao con thiêu thân ngày đêm “cày” game không giảm bớt mà còn tăng vọt, các trò chơi dựa vào nhu cầu đó gia tăng theo. Chỉ tính trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu (Đà Nẵng) có hơn 700 tiệm internet và trò chơi trực tuyến mọc lên. Game online đang tràn lan mọi nẻo từ phố về quê, từ gia đình tới xã hội.
Trong khi loại hình game mang tính giáo dục và sáng tạo hạn chế thì những trò bạo lực lại chiếm đại đa số. Yếu tố tiêu cực của trò chơi ảnh hưởng trực tiếp tới tính cách thanh thiếu niên dẫn tới tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng.
Phải chăng đó là hậu quả của thứ trò chơi không mang tính nhân văn, nhân đạo đã tiêm nhiễm vào từng học sinh? Cần phải kéo họ ra khỏi sự ảo tưởng, mơ hồ của thế giới ảp, trở về cuộc sống thực tại ý nghĩa.
Ông Trần Ngọc Thạch - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông cho biết: “Trong năm 2009, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 71 điểm kinh doanh internet và xử lý 27 trường hợp vi phạm, tạm giữ giấy phép kinh doanh và buộc di dời đối với một số trường hợp vi phạm bán kính hoạt động cách trường học dưới 200m theo Nghị định 103/2005/ĐN-CP của Chính phủ”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đại lý chạy theo lợi ích kinh tế vi phạm giờ đóng, mở cửa, dẫn tới việc các game thủ chơi thâu đêm suốt sáng. Để khắc phục tình trạng trên, ông Thạch cho biết thêm: “Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý internet, chỉ đạo và hỗ trợ UBND các quận, huyện kiểm tra, thanh tra, tích cực rà soát nội dung các trò chơi có hại sức khỏe và tâm lý”.
Những hậu quả nghiêm trọng từ “tác dụng phụ” của game online gây ra trong thời gian gần đây thực sự trở thành “hiểm họa của xã hội và tuổi trẻ”. Hơn lúc nào hết, gia đình, nhà trường và xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để game thủ trở về thế giới thực tại, sống có mục đích và lý tưởng cho ngày mai, kéo họ ra khỏi vấn nạn game online.
Hà Giang
Theo Công an TP Đà Nẵng