Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 “vụ án vườn điều”, ngày 10/3/2005 |
Con gái nạn nhân không tin Nén là thủ phạm
Cuối năm 1998, “vụ án vườn điều” được phục hồi điều tra do có những lời khai của Huỳnh Văn Nén về việc anh ta cùng gia đình vợ giết bà Mỹ. Nếu nhìn nhận một cách đơn giản, Nén phải chịu trách nhiệm về việc 9 người lâm vòng lao lý.
Do vậy họ vẫn oán hận Nén, dù ở phiên toà phúc thẩm lần 1 “vụ án vườn điều”, anh ta đã phản cung dẫn đến bước ngoặt của quá trình xét xử? Nhưng, ngay sau khi ra khỏi trại giam cuối tháng 12/2005, bà Nguyễn Thị Lâm đã mang quà đi thăm Nén.
Ngày 20/1/2006, trong buổi Công an, VKSND và TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi gia đình bà Lâm, họ đã yêu cầu phải xin lỗi cả Huỳnh Văn Nén.
Bà Lâm nói với chúng tôi về con rể của mình: “Tội nghiệp thằng Nén, nó bị dọa tử hình, bị đánh đau quá nên mới phải khai bậy, bây giờ cả nhà đã được thả hết, mình nó vẫn bị ngồi tù”…
Bất ngờ hơn, ngày 25/3/2006, chị Phạm Thị Hồng- con gái bà Bông - viết đơn gửi các ông Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị các cơ quan pháp luật làm rõ thủ phạm vụ giết hại mẹ chị, minh oan cho Nén.
Chị không tin một mình Nén có thể giết bà Bông vì bà Bông cao lớn, khỏe mạnh, trong khi Nén ốm yếu, luôn say rượu.
Thiếu cơ sở buộc tội?
Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 (Tân Minh, Hàm Tân) bị giết. Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận bắt tạm giam Nén vì nghi Nén là thủ phạm.
Ngày 31/8/2000, Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt tù chung thân vì tội “giết người”. Tuy nhiên, ngoài lời nhận tội của Nén, không có bằng chứng nào khác để khẳng định Nén đã giết bà Bông.
Khi chị Hồng phát hiện mẹ mình bị giết, tại hiện trường một con dao nằm phía trong hàng rào giữa nhà bà Bông và chùa Thạch Long, một con dao phía ngoài hàng rào. Nhưng trong quá trình khám nghiệm, con dao nằm phía ngoài hàng rào đã bị mất.
Theo kết luận điều tra, tài sản duy nhất Nén cướp được sau khi giết bà Bông là 1 chỉ vàng 24K, nhưng Nén đã làm mất ngay khi chạy khỏi nơi gây án?
Nén khai, anh ta dùng một sợi dây dù để siết cổ bà Bông, sau đó ném bỏ bên đường mòn. Nhưng sợi dây được coi là tang vật được tìm thấy ở một nơi cách xa đường mòn Nén chạy hơn 100m…
Đặc biệt, biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận, ở hiên nhà bà Bông có một dấu bàn chân phải không dép in hằn trên cát, kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm.
Trên ghế xa lông trong nhà có 3 dấu chân không dép, kích thước 22 x 8,5 cm, gót rộng 4 cm. Như vậy, đây là dấu chân của hai người khác nhau, việc kết luận chỉ có một mình Nén thủ ác là thiếu sức thuyết phục.
Dấu chân của Nén cũng không được so sánh với các dấu chân đó, do đó không có cơ sở xác định chúng có phải là của anh ta hay không...
Chị Hồng cho biết thêm, khi chứng kiến khám nghiệm tử thi, chị thấy vùng bụng bà Bông có những dấu vết tổn thương rất nặng. Nhưng biên bản khám nghiệm tử thi không nhắc tới những dấu vết này.
Sau khi bị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm tuyên án tù giam chung thân, Nén không có đơn kháng án. Tuy nhiên khi “vụ án vườn điều” được xét xử phúc thẩm, Nén đã kêu oan trong vụ bà Bông.
Cha ruột Nén là ông Huỳnh Văn Truyện cho biết, ông đã tìm mọi cách để được giúp đỡ Nén làm đơn kháng án sơ thẩm, nhưng không được tạo điều kiện để làm việc đó.
Vì sao tố giác tội phạm chưa được làm rõ?
Ngày 26/8/2000, Nguyễn Phúc Thành - phạm nhân đang thụ án 18 tháng tù giam tại trại Sông Cái (Ninh Thuận) tố giác với giám thị trại, kẻ giết bà Bông không phải là Nén.
Theo Thành, thủ phạm giết bà Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt. Đơn tố cáo khẩn cấp của Thành kể khá tỉ mỉ nhiều chi tiết chuyện Thọ và Việt giết bà Bông, đi bán 1 chỉ vàng. Thành biết rõ những chi tiết này vì vốn là bạn của Thọ và Việt, được 2 người này kể chuyện giết bà Bông và rủ đi bán 1 chỉ vàng lấy được…
Sau khi bà Bông bị giết, Thọ (“Chín Điếc”, kẻ bị Thành tố cáo là đã trực tiếp giết bà Bông) đã đi khỏi Tân Minh, đến nay vẫn chưa trở lại.
Thực ra, cuối năm 2000, CA Bình Thuận có cử đại uý Cao Văn Hùng đi xác minh đơn tố cáo của Thành. Chúng tôi đã thu nhận nhiều ý kiến thắc mắc, kể cả của Công an Tân Minh về phương cách làm việc của ông Hùng.
Nguyễn Phúc Thành cho biết, ông Hùng đã 2 lần vào trại Sông Cái làm việc với Thành, lúc tỉ tê tình cảm, lúc ra mặt đe dọa để Thành phải rút đơn tố cáo Thọ và Việt.
Khi làm biên bản lấy lời khai của Thành, ông cũng không ghi đầy đủ, chính xác lời anh ta… Đến nay, nội dung tố cáo của Thành vẫn chưa được làm rõ.
Ông Cao Văn Hùng là điều tra viên “vụ án vườn điều”, cũng chính là người điều tra vụ bà Bông. Tại sao việc xác minh tố cáo của Thành lại được giao cho ông ta?
Một người được khen thưởng về “thành tích” phá 2 vụ án nghiêm trọng, sao có thể khách quan khi xác minh đơn tố cáo rằng sự thật của 2 vụ án đó không như ông đã điều tra?