“Cát tặc” lộng hành khắp Hà Nội

“Cát tặc” lộng hành khắp Hà Nội
TP - Hàng trăm tàu hút cát trái phép như những con vắt cắm vòi vào lòng sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống...nhiều năm qua. Sai phạm đã rất rõ ràng nhưng việc xử lý vẫn nửa vời.

> Băm nát bờ vịnh đẹp làm đất san lấp

Mặc dù đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội (Sở TNMT) đình chỉ hoạt động từ giữa tháng 7-2012, nhưng sáng 3-8, việc khai thác cát vẫn diễn ra bình thường tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa phận phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Hàng chục lượt xe tải hạng nặng vẫn ùn ùn chở cát, máy móc đua nhau hoạt động.

Lãnh đạo Sở TNMT khẳng định, từ tháng 7 đã ra quyết định đình chỉ hoạt động khai thác cát của 4 doanh nghiệp gồm: Cty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội, HTX Công nghiệp khai thác cát Lĩnh Nam, Cty TNHH Đức Kiên tại khu vực xã Thượng Cát huyện Từ Liêm, Cty cổ phần Thịnh An tại xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì.

Sở không gia hạn khai thác, yêu cầu 4 đơn vị trên phải thực hiện nghĩa vụ liên quan việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai theo quy định và bàn giao diện tích mỏ cho UBND phường, xã quản lý.

Tại các xã Phù Đổng, Yên Viên, Dương Hà, huyện Gia Lâm, chúng tôi bắt gặp nhan nhản tàu đang hút cát dọc theo bờ sông Hồng. Nhức nhối nhất phải kể tới khu vực Đồng Râm, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu và khu vực Bãi Múc, thôn Hoà Bình, xã Trung Giã...việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp, không theo quy hoạch đã làm sạt lở hàng chục ngàn m2 đất sản xuất nông nghiệp của người dân tại đây.

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cũng thừa nhận, trên địa bàn huyện có tới 59 tàu, thuyền đang khai thac cát, sỏi trái phép. Chủ phương tiện là người địa phương thuộc các xã Trung Giã (30 thuyền), Tân Hưng (6 thuyền), Xuân Thu (8 thuyền), Bắc Sơn (13 thuyền) và Việt Long (2 thuyền).

Ngoài ra còn hàng chục tàu thuyền thuộc huyện Phổ Yên - Thái Nguyên, Hiệp Hoà - Bắc Giang, Yên Phong - Bắc Ninh, Đông Anh - Hà Nội đến Sóc Sơn khai thác cát sỏi trái phép.

“Thủ đoạn hoạt động của phương tiện là lợi dụng lòng sông khu vực giáp ranh, thấy lực lượng kiểm tra thì kéo tàu thuyền sang địa phận tỉnh, huyện giáp ranh” - một cán bộ lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói.

Mặc dù lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng này nhằm đảm bảo an toàn dòng chảy và các tuyến đê kè, đất canh tác của dân... tuy nhiên chỉ sau ngày lực lượng chức năng ra quân thì lại đâu vào đấy, tàu thuyền ngang nhiên khai thác cát trên nhiều tuyến sông.

Theo ông Vinh - Trưởng phòng Khoáng sản - Sở TNMT Hà Nội, chính việc hình thành hàng loạt bãi chứa cát sỏi trái phép quy mô lớn trên các tuyến sông góp phần tiếp tay cho nạn “cát tặc” hoành hành dữ dội hơn.

Ngay tại huyện Từ Liêm, không xử lý dứt điểm được các bãi chứa cát sỏi trái phép lớn dọc sông Hồng hàng chục năm qua.

Tại một số huyện khác, lãnh đạo xã tự ý cắt đất bãi ven sông cho thuê dài hạn làm nơi chứa cát sỏi trái phép. “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT khi cấp phép điểm đỗ cho tàu thuyền trên sông cần xem xét kỹ tính hợp pháp của đất đai” - ông Vinh kiến nghị.

Sở TNMT khẳng định chỉ cấp phép khai thác cát lộ thiên, phù hợp quy hoạch và được nhiều sở ngành thẩm định. Tất cả các trường hợp hút cát đều là vi phạm pháp luật. Cũng theo Sở TNMT Hà Nội, trách nhiệm chính trong xử lý nạn “cát tặc” thuộc UBND các quận, huyện, xã, phường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một xã thuộc huyện Gia Lâm khẳng định, trong khi bờ bãi các tuyến sông bị băm nát nhưng những ông chủ khai thác cát, sỏi trái phép đều thuộc hàng đại gia giàu lên nhanh chóng, có số má ở Hà Nội, đi xe xịn, ở nhà biệt thự đắt tiền...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG