Thường vụ Quốc hội tranh luận chuyện mì tôm sân bay

Giá dịch vụ ở sân bay từng gây bức xúc lớn cho khách đi máy bay.
Giá dịch vụ ở sân bay từng gây bức xúc lớn cho khách đi máy bay.
Việc Bộ Giao thông bổ sung quy định về giá dịch vụ ăn uống, dịch vụ thiết yếu độc quyền tại sân bay vào Dự luật Hàng không khiến buổi thảo luận của Quốc hội chiều 15/7 thêm phần sôi nổi.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/7, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay bị nâng rất cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là giá thuê mặt bằng cao, doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền.  

“Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không ở nước ta còn khá cao, nhất là một số dịch vụ phi hàng không và một số mặt hàng thiết yếu, dịch vụ độc quyền… Do đó cần có cơ chế để kiểm soát”, ông Lý nói khi có ý kiến cho rằng quy định này sẽ không phù hợp với luật Giá.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, trước đây dịch vụ hành khách được Nhà nước định giá. Tuy nhiên, Luật Giá mới đã yêu cầu đưa dịch vụ này ra khỏi danh mục nhà nước định giá nên Bộ Giao thông đưa vào dự luật này là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng dẫn chứng, nếu theo Luật Giá thì không xử lý được tình trạng giá một bát mì tôm tại các sân bay bị đội lên ngất ngưởng khiến dư luận bức xúc vừa qua.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc giao Bộ Giao thông thẩm quyền định giá đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không là cần thiết để có thể kịp thời điều chỉnh, bình ổn giá nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ, để tránh trường hợp như người dân phản ánh bát phở có giá tới 500.000-600.000 đồng thì không nên giao hẳn cho doanh nghiệp, mà Bộ Giao thông phải xây dựng khung giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay, trên cơ sở đó giao doanh nghiệp quy định giá chứ giao hẳn cho doanh nghiệp thì không nên.

“Một bát mì tôm thì chúng ta định giá làm gì?", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn. Bà Ngân cho rằng, Nhà nước không định giá các loại phí hàng không, còn một khi nó phức tạp thì với trách nhiệm quản lý của nhà nước anh phải chấn chỉnh tình trạng bóp cổ khách hàng thông qua cơ quan quản lý cảng. 

“Ly nước chanh đá, tô mỳ, hàng lưu niệm là phi hàng không. Khi giá cao thì quản lý nhà nước phải xem lại, như có phải do phí thuê mặt bằng tại cảng có phù hợp không, hay cao quá khiến doanh nghiệp phải đẩy giá bán mới chịu nổi”, Phó chủ tịch bày tỏ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối các sở
Hà Nội dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối các sở
TPO - Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.