Ôm nợ 'khủng', tòa nhà Keangnam Landmark 72 đổi chủ

Toà nhà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó.
Toà nhà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó.
Thông tin từ tờ Thời báo kinh tế Hankyung của Hàn Quốc cho biết, AON Holdings - một tập đoàn tài chính của Hàn Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Landmark 72.

Theo tờ báo này, ngày 16/12/2015, Samjong KPMG – đơn vị thu xếp bán nợ của dự án đã lựa chọn AON Holdings là đơn vị ưu tiên cho thương vụ này. Tổng số nợ Keangnam vay để xây dựng tòa tháp Landmark 72 vào năm 2012 là 600 tỷ won (tương đương 510 triệu USD). AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỷ won để mua lại khoản nợ này. Sau khi tiếp quản các khoản nợ, AON Holdings sẽ nắm quyền kiểm soát dự án này.

Trước đó, ngày 27/5/2015, Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Tòa án Seoul đã chấp thuận cho Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Inc. được bán tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 thuộc sở hữu của công ty Keangnam Vina Ltd, một công ty con của Keangnam Enterprises Inc., tại Hà Nội để ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện nay của tập đoàn này.

Trước đó, vào đầu tháng 4 năm ngoái, truyền thông Hàn Quốc rộ lên thông tin bán toà nhà Keangnam tại Hà Nội. Cụ thể ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị bày tỏ ý định mua lại toà nhà này. 

Tại thời điểm đó, Goldman Sachs dự kiến sẽ mua lại khoản nợ mà Keangnam đã vay để đầu tư cho dự án trị giá 1.000 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và thành lập một công ty chuyên biệt để tiếp nhận vai trò là cổ đông lớn tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower. Ngược lại, theo thông tin đưa ra, QIA muốn chi 800 triệu USD để mua lại toàn bộ toà nhà và sở hữu lâu dài.

Tuy nhiên, giữa tháng 5, tờ Korea JoongAng Daily, 1 trong 4 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, dẫn thông tin từ QIA cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Qatar này đã phủ nhận hoàn toàn thông tin họ sẽ mua lại toà nhà trên.

Toà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó. Hiện tập đoàn này cũng gần như không có khả năng để thanh toán tiền vay ngân hàng để đầu tư cho dự án.

Công ty đã huỷ niêm yết và chịu sự kiểm soát của các chủ nợ từ hồi tháng 3/2015. Được biết, các chủ nợ trước đó đã nới lỏng một số điều kiện cho Keangnam nhờ các thông tin lạc quan về việc QIA đang đàm phán mua lại toà nhà Landmark 72 từ Keangnam.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG