Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 20 tỉ đô la

Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 20 tỉ đô la
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2013 lần đầu tiên dự tính sẽ vượt qua mốc 25 tỉ đô la, khiến cho xuất siêu vào Mỹ khoảng 20 tỉ đô la.

Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 20 tỉ đô la

> Tỷ phú Hoàng Sa
> Thông đường dây nóng nghề cá với Trung Quốc 

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2013 lần đầu tiên dự tính sẽ vượt qua mốc 25 tỉ đô la, khiến cho xuất siêu vào Mỹ khoảng 20 tỉ đô la.

Ông Đào Trần Nhân - Ảnh: Bộ Công Thương
Ông Đào Trần Nhân - Ảnh: Bộ Công Thương.
 

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Mỹ đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này và những cơ hội cho hàng hóa Việt Nam với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán.

Cuộc trao đổi bên lề hội nghị tham tán thương mại 2013 hôm 18-12 tại Hà Nội

Thưa ông, ông đánh giá tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2013 đạt kết quả thế nào?

Đây là một năm thắng lợi của xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2013 dự kiến đạt 133 tỉ đô la, tăng trưởng 16,6%. Riêng thị trường Mỹ, con số 11 tháng đạt 23,5 tỉ đô la. Dự tính cả năm 2013, kim ngạch vào thị trường này sẽ vượt qua 25 tỉ đô la, đạt tốc độ tăng trưởng 22,5%.

Kim ngạch vào Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế chúng ta sẽ xuất siêu sang Mỹ năm nay 20 tỉ đô la. Xuất siêu cao hỗ trợ bớt cho những khó khăn trong việc nhập siêu từ thị trường Trung Quốc năm 2013 là quá lớn.

Nhưng với tốc độ xuất khẩu tăng nhanh như vậy, năm 2014 dự kiến hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với những thách thức và rào cản từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng của Mỹ?

Thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu năm 2014 tiếp tục duy trì kim ngạch tăng 10% so với năm 2013 thì xuất khẩu vào Mỹ luôn luôn gặp những khó khăn về rào cản thương mại, các vụ kiện, chống bán phá giá... Trong đó nguy cơ tiếp tục là những mặt hàng quan trọng đối với Việt Nam như tôm, thủy sản, cá tra, may mặc…

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng phải luôn chủ động nắm bắt, thông báo, khuyến nghị và đồng hành cùng các nhà xuất khẩu để tránh bị động chứ, thưa ông?

Các nhóm lợi ích Mỹ vì lợi ích thường xuyên dựng lên rào cản thương mại ngăn cản hàng Việt Nam, bảo hộ hàng Mỹ. Thời gian qua, thương vụ phối hợp rất tốt với các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với luật sư, tư vấn chống lại rào cản, vụ kiện.

Năm 2013 chúng ta thắng lợi trong vụ kiện tôm nước ấm. Phía Mỹ định đánh thuế vào tôm cao. Kết quả cuối cùng là chúng ta thắng lợi, đạt được mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp ở mức 0%.

Nhưng tư vấn về chính sách thương mại lớn của Mỹ để các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị ra sao?

Hàng năm phía Mỹ có báo cáo thường niên về rào cản thương mại các nước, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi có báo cáo cho Bộ Công Thương và các bộ có liên quan về rào cản từ phía Mỹ. Ngoài ra các chính sách mới ban hành ảnh hưởng đến hàng Việt Nam. Ví dụ Luật hiện đại hóa vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật… được thông báo và kiến nghị kịp thời để phổ biến cho doanh nghiệp.

Việt Nam đang đàm phán TPP và đứng trước những quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt về hàng hóa. Nhiều danh mục hàng hóa có nguồn gốc từ các quốc gia TPP nhiều năm nữa Việt Nam cũng chưa sản xuất được và cơ hội giảm thuế bằng 0% do đó cũng đang gặp trở ngại. Ông đánh giá chúng ta có thể gỡ bỏ những rào cản thương mại bớt khắt khe hơn trong quá trình đàm phán không?

Việc Việt Nam quyết định tham gia đàm phán TPP, lợi ích lớn nhất là mở cửa thị trường, mở cửa thị trường hàng hóa, nhất là dệt may và giày dép.

Hàng năm dệt may xuất sang Mỹ khoảng 7,5 tỉ đô la, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra nước ngoài. Giày dép xuất đi khoảng 2,2 tỉ đô la. Tổng hai mặt hàng này chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Trong đàm phán TPP, chương mở cửa thị trường liên quan đến dệt may muốn áp dụng quy tắc xuất xứ tính từ sợi.

Theo đó yêu cầu các mặt hàng vào TPP từ sợi trở đi cũng phải từ TPP. Trong TPP nổi lên vấn đề: nếu không có nguyên liệu vải sợi, không mua được từ các nước TPP thì sao? Mỹ đề xuất ra sáng kiến: thiếu hụt nguồn cung. Các bên định ra: thiếu hụt nguồn cung thường xuyên hay thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Tạm thời là bao nhiêu năm? Trong bao năm thì các nước TPP có thể vươn lên có được vật liệu đó.

Hai vấn đề đó Việt Nam đều có thể tận dụng được trong TPP. Tận dụng khác là mở cửa thị trường: giảm thuế.

Về mặt hàng da giày chỉ còn duy nhất một công ty lớn danh nghĩa là sản xuất tại Mỹ và muốn bảo hộ nên vẫn muốn đánh thuế cao nhất 65% vì vào TPP phải giảm thuế, thậm chí về 0% ngay lập tức.

Nhiều tập đoàn sản xuất đồ thể thao lớn như Nike, hiện có 76 nhà máy sản xuất giày dép, quần áo…cho thương hiệu này tại Việt Nam. Từ Việt Nam xuất đi hơn 2 tỉ đô la. Nếu thuế bằng 0% thì giá giày thấp xuống, xuất khẩu tăng lên rất nhiều.

Ông dự đoán phương án nào dễ về đích trong quá trình đàm phán này?

Vấn đề là các tập đoàn lớn đang đầu tư vào Việt Nam như GAP, Levi’s..sẽ được phía Mỹ hỏi: Ông cung cấp cho tôi danh sách nguồn cung thiếu cái gì, mức độ thiếu thế nào? Mặt hàng này hiện năm nay chưa sản xuất được nhưng 3 năm tới sẽ sản xuất được không? Họ sẽ tự sắp xếp cái gì thiếu hụt nguồn cung thường xuyên hay tạm thời và hai bên đàm phán với nhau.

Như vậy phụ thuộc vào phía Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ hơn là từ Việt Nam có thể tác động tạo ra sự thay đổi?

Tuy nhiên mình cũng có tiếng nói của mình để đàm phán hạn chế bớt các điều kiện khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG