Nông dân quay lưng với VietGAP

Nông dân quay lưng với VietGAP
TP - Tốn công, tốn của nhưng chưa tìm được thị trường tiêu thụ lâu dài, nhiều nông dân ở Đồng Nai đang từ bỏ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP).

> Dưa đạt chuẩn VietGap hút hàng dịp Tết

Theo VietGAP có mà bán nhà trả nợ?

Gần 3 năm trước, HTX Rau an toàn Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) là mô hình sản xuất rau sạch được ứng dụng VietGAP đầu tiên ở tỉnh Đồng Nai. Việc UBND thành phố Biên Hòa quyết định giải tán HTX là điều không mấy tốt đẹp đối với chính quyền địa phương, khi mà phong trào xây dựng HTX kiểu mới đang được khuyến khích xây dựng. Tuy nhiên, đối với hàng chục xã viên của HTX này, việc giải tán HTX là tất yếu.

Nhiều xã viên HTX Rau an toàn Trảng Dài kể, sau nhiều năm phấn đấu xây dựng tiêu chí, cuối năm 2011, HTX được Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ban đầu có 7 hộ, sau đó là 15 hộ tham gia. Tuy nhiên, được một thời gian thì lượng rau sạch sản xuất ra cũng chỉ biết bán cho thương lái, giá bán không phân biệt có hay không VietGAP.

 “Đúng theo quy trình VietGAP thì tốn công, tốn của lắm, nhưng giá bán thì trôi nổi theo thị trường. Làm rau sạch như vậy có mà bán nhà trả nợ”. 

Lê Thị Kim Hoàng

Phân chia đống rau cải mới nhổ từ vườn, bó lại từng bó nhỏ chờ thương lái vào mua, bà Lê Thị Kim Hoàng kể: “Tôi làm rau ở vùng này hơn 20 năm. Khi HTX thành lập đưa ra quy trình trồng rau sạch, mời bà con tham gia HTX rồi hứa hẹn tìm đầu ra cho rau sạch, nghĩ tới việc cây rau mình trồng ra được vào siêu thị, thậm chí xuất khẩu, giá cả cao, ổn định, bà con ai cũng ham. Nhưng vào HTX, có cái giấy chứng nhận VietGAP rồi, quanh năm suốt tháng rau sạch bà con làm ra cũng chỉ biết bán cho thương lái. Thương lái thì họ không cần biết rau sạch hay không sạch, giá thế nào tùy vào họ”.

Qua một thời gian áp dụng mô hình VietGAP cho rau trồng, cuối cùng, bà Hoàng trở về với quy trình canh tác cũ. Bà Hoàng nói: “Đúng theo quy trình VietGAP thì tốn công, tốn của lắm, nhưng giá bán thì trôi nổi theo thị trường. Làm rau sạch như vậy có mà bán nhà trả nợ”. Chị Thành, nguyên là xã viên HTX Rau an toàn Trảng Dài, nói: “Gần chục năm vào HTX, nhưng chỉ có họp hành là chính, khuyến khích trồng rau sạch, nhưng cuối cùng chẳng thấy Ban Chủ nhiệm HTX tìm được đầu ra đúng với giá trị của rau sạch”.

Theo ông Đào Tiến Chương, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Trảng Dài, một trong những nguyên nhân khiến xã viên nản chí là thời gian chứng nhận VietGAP chỉ hiệu lực 1 năm, còn chi phí cho một lần làm thủ tục trên 70 triệu đồng. Hơn nữa, rau VietGAP chưa tìm được thị trường tiêu thụ lâu dài nên không mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Theo nhiều nông dân trồng rau nguyên là xã viên HTX, một nguyên nhân khác làm mất thương hiệu rau an toàn của bà con gây dựng là do ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ nhiệm HTX, đã có hành vi lập lờ khi mua rau trôi nổi ngoài thị trường rồi xuất hóa đơn của HTX mượn mác rau sạch của HTX để bán.

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Chưa đến nỗi phải giải tán HTX, nhưng HTX Xoài Suối Lớn (do ông Nguyễn Thế Bảo làm chủ nhiệm với gần 50 xã viên sản xuất vùng chuyên canh xoài có diện tích trên 150 ha) cũng lo đau đáu giá đầu ra cho trái xoài. Năm 2010, HTX được cấp chứng nhận VietGAP, rồi sau đó là GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế) nhưng đến nay, trái xoài của HTX cũng khó có thị trường đúng nghĩa.

Ông Bảo nói: “Có thương hiệu rồi, chúng tôi tự đi chào hàng, nhưng cũng chỉ có vài siêu thị ở TPHCM đặt mua ngày vài trăm cân, nên không đủ điều kiện cho chúng tôi cung ứng. Rốt cuộc, trái xoài làm ra sản xuất theo quy trình GAP hay quy trình tự do đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và cũng cứ theo quy trình nông sản được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”. Ông Bảo nói rằng, bà con đã đầu tư nhiều để xây dựng quy trình VietGAP, nhưng hiệu quả chưa đạt. Vì vậy, cần có định hướng chiến lược của Nhà nước trong việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.