Không tăng lương, thưởng lãnh đạo ngân hàng

Không tăng lương, thưởng lãnh đạo ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiết giảm chi phí hoạt động; không tăng tiền lương, tiền thưởng, thù lao của cán bộ, đặc biệt là người quản lý, điều hành

Ngày 29/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 8986/NHNN-TTGSNH về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng (trừ các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn chi phối của nhà nước) phải cáo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng để cho ý kiến về việc tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2013 trước khi thực hiện.

Hai công nhân đang sửa sang lại trụ sở của Ngân hàng Vietinbank
Công nhân đang sửa sang lại trụ sở của Ngân hàng Vietinbank. Ảnh: Internet

Theo văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiết giảm chi phí hoạt động; không tăng tiền lương, tiền thưởng, thù lao của cán bộ, đặc biệt là người quản lý, điều hành và không tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận của năm tài chính 2013, nếu tổ chức tín dụng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chưa phân loại nợ và cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật.

Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 17/9/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu.

Cụ thể, tại Chỉ thị số 04, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, khả năng trả nợ thực tế của khách hàng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, bảo đảm sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng sẽ có khả năng trả nợ theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc vi phạm các quy định trong hợp đồng tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan.

Cũng theo Chỉ thị 04, các tổ chức tín dụng chủ động và tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, năng lực tài chính của khách hàng, đồng thời kết hợp với việc xem xét lại mức lãi suất cho vay, phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng, của tổ chức tín dụng và tình hình thực tế của thị trường tiền tệ để góp phần hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, có phương án sản xuất, kinh doanh mới khả thi và được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả nợ tốt hơn theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thời hạn cho vay được gia hạn.

Còn với văn bản ngày 29/11, tổ chức tín dụng (trừ các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn chi phối của nhà nước) phải cáo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng để cho ý kiến về việc tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2013 trước khi thực hiện.

Cũng tại văn bản này, Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm đôn đốc, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung trên, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và tổ chức tín dụng báo cáo Thống đốc (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị (nếu có).

Theo Vneconomy

Xem thêm: Đổi chủ ngân hàng: Vòng xoáy đang cuộn mạnh

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG