Chưa khai thông đã xuất hiện lừa đảo

Chưa khai thông đã xuất hiện lừa đảo
TP - Thỏa thuận đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép mới (EPS) chưa được thông qua, nhưng tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân công khai lừa tiền NLĐ.

> Hiện tại ảm đạm, tương lai mờ mịt
> Lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 10 tỷ đồng

Lừa đi Hàn, nộp 10.000 USD

Theo phản ánh từ nhiều địa phương, hiện đang rộ tin đồn Bộ LĐ-TB&XH ra thông báo tổ chức học giáo dục định hướng cho NLĐ (đã có chứng chỉ tiếng Hàn) để chuẩn bị đưa sang Hàn Quốc làm việc. Từ TP Vinh (Nghệ An), anh H.H.Đ cho biết, người nhà đã có chứng chỉ tiếng Hàn, nhưng chưa sang Hàn Quốc làm việc do Chương trình EPS bị dừng.

“Mới đây, có người nói sẽ lo được sang Hàn Quốc làm việc, với điều kiện nộp 10.000 USD và tham gia lớp học giáo dục định hướng do Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức”, anh Đ. cho biết.

 “Để hạn chế lao động bỏ trốn, việc quan trọng là cần có biện pháp cấm doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp nhận lao động bất hợp pháp” . 

Ông Hwang Chang Bae - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Lao động Nước ngoài Incheon (Hàn Quốc)

Để chắc ăn, trước khi trao tiền, anh Đ. (thông qua bạn bè) đã gọi điện cho PV Tiền Phong để trao đổi thông tin. Khi được biết, Chương trình EPS chưa được Hàn Quốc nối lại và không tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp vào quy trình EPS, anh Đ. mới biết bị lừa. “May được cảnh báo, nếu không, người thân gia đình tôi đã mất đứt 20.000 USD”, anh Đ. nói.

Được biết, hiện ở Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định... xuất hiện một số tổ chức, cá nhân tung tin việc Bộ LĐ-TB&XH tổ chức học giáo dục định hướng cho NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc để thu tiền trái phép.

“Thậm chí, họ còn phát tờ rơi”, một lao động quê Bắc Giang cho biết. Theo lao động này, lợi dụng tâm lý sắp hết hạn chứng chỉ tiếng Hàn (tháng 12/2013), NLĐ sốt ruột vì phải chờ đợi gần 2 năm qua, nên một số tổ chức, cá nhân công khai lừa đảo. “Dù chưa có thống kê, nhưng chắc chắn nhiều NLĐ đã dính bẫy”, lao động này khẳng định.

Trước thực trạng trên, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (đơn vị duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH cho phép triển khai Chương trình EPS) cho biết: “Tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm tại Nghệ An về thị trường Hàn Quốc. Không có chuyện Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức học giáo dục định hướng cho NLĐ. Lý do là hiện nay Chương trình EPS đang bị dừng, chưa được Hàn Quốc nối lại”.

Dụ dỗ NLĐ bỏ trốn, phạt 200 triệu đồng

Theo ông Phan Văn Minh, chi phí NLĐ phải nộp khi tham gia Chương trình EPS chỉ gần 700 USD. Nếu được phía Hàn Quốc nối lại, theo quy định mới, NLĐ sẽ phải đóng thêm 100 triệu đồng tiền ký quỹ (khi về nước đúng hạn sẽ được lấy lại tiền gốc và lãi- PV).

“Do đó, với những tổ chức, cá nhân đứng ra hứa sẽ lo để NLĐ sang Hàn Quốc lao động với mức tiền lên tới hàng chục nghìn đô la Mỹ là lừa đảo”, ông Minh nói.

Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý lao động Ngoài nước, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động chủ lực của Việt Nam. Việc vận động hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang bỏ trốn về nước là điều rất cần thiết. Đây có thể xem như điều kiện tiên quyết để Hàn Quốc nối lại Chương trình EPS.

Ông Hải cho biết, nhằm chấn chỉnh thị trường Hàn Quốc, mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định mới. Theo đó, lao động Việt Nam nếu ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng, bị buộc về nước và bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm. Với cá nhân, tổ chức có hành vi xúi giục, dụ dỗ NLĐ bỏ trốn sẽ bị phạt tới 200 triệu đồng.

“Tuy nhiên, với NLĐ về nước trước ngày 11/1/2014, sẽ không bị xử phạt”, ông Hải khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Ngoài nước (Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc), nguy hiểm luôn rình rập đối với NLĐ khi sống, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu lao động cư trú bất hợp pháp lỡ bị bắt, sẽ bị phạt 40.000 USD hoặc phải lao động công ích 3 năm và bị trục xuất về nước. Ngoài ra, lao động bất hợp pháp không được bảo vệ quyền lợi nếu gặp phải bệnh tật hay tai nạn lao động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.