> Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún, nứt sau 5 tháng thông xe
> Rệu rã Quốc lộ 20
Thế mà, trước đó không lâu, mỗi khi đường hỏng, lún vệt bánh xe, người ta lại đổ thừa cho phương tiện quá tải.
Những đơn vị thi công gian dối
Sống trâu là hiện tượng phổ biến trên nhiều quốc lộ trong thời gian qua, riêng QL 1A khoảng 160km bị hiện tượng này. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã đề cập đến, nhưng nguyên nhân được đưa ra làm người nghe mông lung: Xe quá tải, chất lượng nhựa đường có vấn đề, biến đổi khí hậu và cả việc thi công kém...; trong đó, xe quá tải từng được xem là thủ phạm chính.
Qua việc khoan lấy mẫu và kiểm nghiệm mặt đường trên QL 1A mở rộng từ Hà Nam đến Thanh Hoá, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều dấu hiệu đáng báo động. Theo đó, sai sót được chỉ ra: Thiếu chiều dày kết cấu; thành phần hạt, độ chặt không đảm bảo; hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu theo công thức phối trộn. Các đơn vị tham gia thi công đoạn qua Hà Nam gồm: Cty Thành An, Thi Sơn, Tập đoàn Đông Đô. Đoạn qua Ninh Bình do doanh nghiệp Xuân Trường thi công. Đoạn Thanh Hóa do Xuân Trường, Liên danh Hoàng Long- Minh Tuấn - Tân Thành... thực hiện. Giám sát công trình này có nhiều “tên tuổi” trong ngành giao thông như Cty Heco (thuộc Tổng Cty Tư vấn Thiết kế Bộ GTVT), Viện Khoa học công nghệ GTVT.
PGS.TS Trần Chủng, Trưởng Ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nhiều năm công tác tại Hội Đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng) cho rằng, lâu nay, người ta hay tìm nguyên nhân sự cố ở các lý do khách quan mà không đi vào thực chất.
Hiện tượng lún vệt bánh xe xảy ra ở cả tuyến đường có nền đất và nền bê tông; vì thế, cần xét trước tiên là chất lượng mặt đường. “Việc Bộ GTVT tìm nguyên nhân ở chất lượng mặt đường là đi đúng vào bản chất, nhìn thẳng vào vấn đề”, ông Chủng nói.
Nhà thầu quen thói làm càn hết cửa
Để xử lý tình huống trên, Bộ GTVT nhanh chóng có những giải pháp mạnh. Theo đó, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết định: Các nhà thầu khắc phục sự cố, kéo dài thời gian bảo hành; thu hồi số tiền của đơn vị tư vấn tại các điểm kém chất lượng; giảm xếp loại doanh nghiệp và xem xét trách nhiệm cá nhân. Dự án nào hết hạn bảo hành, các đơn vị bảo trì phải sớm tiến hành sửa chữa và xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Quản lý Xây dựng & Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết: Tới đây, Bộ GTVT tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các mặt đường bị lún vệt bánh xe. Về lâu dài, trong các dự án mới, bộ sẽ bắt buộc triển khai các gói thầu kiểm định độc lập để kiểm soát chất lượng công trình.
Trước đây, một người lái máy lu thấy nền đường chưa chặt họ không cho tưới nhựa vào. Bây giờ, dù đá còn lởm chởm, nhưng vì số lần lu đủ rồi, họ không lu nữa để bớt tiền dầu. Muốn cải thiện chất lượng, trước hết cải thiện về trách nhiệm PGS.TS Nguyễn Quang Toản |
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT đã dám “nhìn thẳng” vào các nguyên nhân chủ quan. Nếu không sớm chấn chỉnh tình trạng rút ruột công trình sẽ làm các con đường nhanh hỏng (với cấp độ rút ruột lộ liễu) hoặc hết hạn bảo hành mới hỏng (cấp độ rút ruột tinh vi).
Một trong những giải pháp, theo PGS Toản là tăng tinh thần trách nhiệm, giảm những chi phí “loằng ngoằng” giữa các bên với nhau. “Bỏ thầu thấp, chi chỗ này chỗ kia để có dự án. Khi kinh phí còn lại thấp, tất nhiên phải ăn bớt, làm ẩu. Không nhà thầu nào lấy tiền nhà đi làm đường cả”.
PGS Toản cho rằng, cần phải kiểm soát ngay từ việc nhập khẩu nhựa đường và kiểm soát, cấp phép mỏ đá làm đường. Còn PGS Trần Chủng cho biết khi nghiệm thu, phát hiện sai phạm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước tiên.
Trước sự kiện này, một chuyên gia giao thông nói: Hành động trên của Bộ GTVT được xem như một “cú tát” trực diện vào một số nhà thầu quen thói làm càn bấy lâu nay.