> Chuyên gia: 'Chính sách tiền tệ vừa qua khá tốt'
> Tái cơ cấu 'chơi vơi' vì thiếu tiền, loạn sở hữu chéo
> Sẽ xử lý vài ngân hàng có 'sở hữu chéo'
>Sở hữu chéo Ngân hàng mê hồn trận
Theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định.
Câu chuyện của "bầu" Kiên, dù không liên quan trực tiếp tới ACB là ví dụ của tình trạng sở hữu chéo và lợi ích cục bộ. |
Gửi câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cho biết kết quả và hiệu quả của việc xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng? Vừa qua đã phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có) như thế nào?
Sở hữu chéo diễn biến phức tạp
Trả lời thắc mắc của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất và một số hậu quả khác. Hiện tượng này có ở hầu hết các hệ thống tài chính trên thế giới với quy mô, mức độ phức tạp và biện pháp quản lý, kiểm soát khác nhau.
Tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Dù Luật các TCTD năm 2010 đã quy định: Các TCTD không được phép sở hữu cổ phần lẫn nhau; các công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó, nhưng theo Thống đốc: Do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực) hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác.
Cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của các TCTD và đã khái quát được đầy đủ thực trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Theo đó, “sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử và cần được xử lý từng bước, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ”, Thống đốc nói.
Theo đánh giá của vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng, thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số ngân hàng thương mại cổ phần có một số cổ đông là TCTD khác. Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mặc dù mới chỉ ở mức qui mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng này và toàn hệ thống ngân hàng.
Xử lý sở hữu chéo có lộ trình
Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD, NHNN đã xác định mục tiêu xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD và hệ thống các TCTD. Cùng với đó là hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sở hữu chéo tới an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.
“Quan điểm xử lý sở hữu chéo là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD; giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể”, Thống đốc khẳng định.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định của Luật các TCTD năm 2010 và các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD. Xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.
Thứ hai, xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD. Để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD (thông qua các hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và quan hệ tín dụng tại các TCTD).
Thứ ba, giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo. Trong đó, NHNN giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Thứ năm, trong các phương án tái cơ cấu của các TCTD, NHNN yêu cầu TCTD vi phạm các quy định về sở hữu chéo, đầu tư, giới hạn sở hữu vốn và cấp tín dụng cũng như các quy định an toàn khác phải có biện pháp xử lý.
Thứ sáu, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ bảy, xây dựng các quy trình nhằm xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa việc sở hữu chéo, đầu tư chéo (dự kiến ban hành trong tháng 11/2013).
Với các biện pháp toàn diện như trên, theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đang từng bước được xử lý. Trong đó, các trường hợp cổ đông lớn của một số ngân hàng thương mại cổ phần vi phạm về sở hữu cổ phần đã phải thực hiện thoái vốn để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời, các ngân hàng này phải xây dựng và triển khai Phương án cơ cấu lại ngân hàng để khắc phục triệt để các vi phạm, tồn tại trong tổ chức, hoạt động, nhất là vấn đề vi phạm quy định về sở hữu cổ phần.
Trong thời gian tới, cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, tình trạng sở hữu cổ phần lẫn nhau của các TCTD sẽ được từng bước xử lý dứt điểm, phù hợp với quy định pháp luật”.
Theo Dân trí