Những điểm sáng của nền kinh tế 10 tháng qua

Những điểm sáng của nền kinh tế 10 tháng qua
Kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu được xem là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua.

>Xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đạt 5,37 tỷ USD
> ANZ: 'Dự trữ ngoại hối Việt Nam khoảng 32 tỷ USD'
>Bộ trưởng Vũ Đức Đam: ‘Không có khái niệm GDP từng tỉnh
> Thủ tướng: 'Lạm phát không còn là vấn đề nóng'

Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm. Trong ảnh: Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD
Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm. Trong ảnh: Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2013, diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 5,14% so với tháng 12/2013.

Đây là mức tăng khá thấp, nếu tính theo tháng, bởi hai tháng 8 và 9, CPI đã tăng tương ứng tới 0,83% và 1,06%.

Còn nếu so với tháng năm trước, mức tăng 5,14% tuy tương đương cùng kỳ năm 2012 (5,13%), nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó (năm 2010 là 17,05%, còn năm 2011 là 7,58%).

Đặc biệt, nếu so với cùng kỳ năm trước, thì mức tăng 5,92% của CPI tháng 10/2013 thuộc diện rất thấp trong vòng 10 năm qua. So với cùng kỳ các năm trước, trừ năm 2009 (CPI tháng 10 tăng 2,99% so với cùng kỳ), thì CPI tháng 10 các năm 2004 - 2012 dao động trong khoảng 6,55 - 26,72%.

Với kết quả đó, có thể khẳng định, lạm phát năm nay sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 7%. Kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định. Đánh giá này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ.

Một điểm sáng khác của nền kinh tế là xuất khẩu. 10 tháng đầu năm, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu không kể dầu thô, ước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 27,2% và chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cũng liên quan đến khối FDI, thì việc từ đầu năm tới nay, Việt Nam thu hút được trên 19,2 tỷ USD vốn FDI, có thể nói, cũng là một điểm sáng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2013 - 2014, các đại biểu Quốc hội đã nhắc tới việc lạm phát năm nay được kiềm chế tốt phần lớn xuất phát từ việc kinh tế trong nước trì trệ, sức mua giảm.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng đầu năm, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ tăng 5,5% - một mức tăng rất thấp. Cầu thấp sẽ không còn là động lực để các doanh nghiệp tập trung cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Cầu thấp, nên sản xuất công nghiệp trong 10 tháng qua, tuy qua từng tháng, đều có dấu hiệu cải thiện, song tính chung, vẫn chỉ tăng 5,4% - một mức tăng thấp, thấp hơn cả con số 5,8% của cùng kỳ năm trước.

Và theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy 10 tháng đầu năm, đã có 11.750 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, song tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn giảm (10 tháng giảm 19,3%) và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ (10 tháng tăng 12,9%). Và đây là dấu hiệu cho thấy, tuy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có những cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó khăn không chỉ được ghi nhận đối với sản xuất trong nước, mà ngay cả với xuất khẩu, bởi dù tốc độ tăng trưởng vẫn tốt, song nếu nhìn sâu vào từng con số sẽ thấy còn nhiều vấn đề.

Rõ thấy nhất là sự đuối sức rõ rệt của khối doanh nghiệp trong nước so với khối doanh nghiệp FDI. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI tăng tới 27,2%, nếu không tính dầu thô, thì khối trong nước chỉ tăng 3%. Trong khi doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô, xuất siêu 10,1 tỷ USD, thì khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 10,3 tỷ USD.

Còn xuất khẩu, cũng đã có những dấu hiệu khó khăn, khi trong một loạt mặt hàng xuất khẩu truyền thống chủ lực của Việt Nam, không chỉ kim ngạch xuất khẩu giảm, mà lượng cũng giảm so với 10 tháng năm ngoái. Chẳng hạn, cà phê giảm 24% về lượng và 23,9% về kim ngạch; gạo giảm tương ứng 14,1% và 16,9%; sắn và sản phẩm sắn giảm 27,9% và 21,3%...

Các mặt hàng xuất khẩu mới, như điện thoại di động, hàng điện tử... tuy xuất khẩu tăng mạnh, nhưng giá trị gia tăng thấp và như vậy, đóng góp không nhiều cho nền kinh tế.

Một yếu tố khác tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế là vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trong 10 tháng qua chỉ đạt 80,7% kế hoạch năm và bằng 98,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã bày tỏ mối lo ngại khi đầu tư phát triển không đạt kế hoạch. Đặc biệt, kế hoạch chi cho đầu tư phát triển năm tới chỉ ở mức 163.000 tỷ đồng, khiến cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng chỉ 5,8% cho năm tới cũng rất căng thẳng.

“Thực tế, chi đầu tư phát triển đang giảm rất mạnh, có thể nói thấp kỷ lục trong lịch sử. Và điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo Báo Đầu tư

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.