Thịt bò ngoại ‘đánh bạt’ bò nội

Thịt bò ngoại ‘đánh bạt’ bò nội
Số lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, bán với giá phải chăng là do được ưu đãi thuế nhập khẩu.

Thịt bò ngoại ‘đánh bạt’ bò nội

>Học du lịch, phát nhờ chăn nuôi
> Thịt bò Úc 'gây bão' ở thị trường Việt Nam

Số lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, bán với giá phải chăng là do được ưu đãi thuế nhập khẩu.

Giá thịt bò Úc nhập ngoại chỉ cao hơn 10% đến 15% so với bò trong nước
Giá thịt bò Úc nhập ngoại chỉ cao hơn 10% đến 15% so với bò trong nước.
 

Ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam vốn đã xuống dốc nhiều năm qua, lại càng khó khăn vì không thể cạnh tranh.

Từ đầu năm 2013 trở lại đây, thay vì phải mua thịt bò đông lạnh nhập khẩu, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam có thể đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm mua bò tươi của Úc với giá ngang sản phẩm thịt bò nội địa.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty TNHH Trung Đồng đã nhập khẩu hơn 15 nghìn con bò thịt sống. Toàn bộ bò nhập khẩu sẽ được công ty giết mổ và phân phối cho các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, Lotte..., các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm và các đại lý tại chợ lẻ khắp cả nước.

Bà Trương Thị Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Trung Đồng nói, giá thịt bò Úc nhập ngoại chỉ cao hơn 10% đến 15% so với bò trong nước. Đầu tư hệ thống chuồng trại và nhà máy giết mổ đáp ứng tiêu chuẩn Úc đòi hỏi chi phí rất cao, nhưng vì lợi nhuận lớn nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu bò từ Úc về Việt Nam.

Theo Cơ quan Thú y vùng 6, số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2012 trở về trước không đáng kể. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam lên 32.500 con - đây mới chỉ là con số nhập theo đường chính ngạch.

Nguồn bò Úc nhập khẩu còn thông qua nhiều con đường khác. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập bò nguyên con vào Việt Nam để thăm dò thị trường tiêu thụ trong nước và cùng để làm quen với các nhà cung cấp từ Úc, nhằm tận dụng ưu đãi thuế của hiệp định thương mại tự do của các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng có hiệu lực vào năm 2014.

Nhu cầu tiêu dùng thịt bò của Việt Nam ngày càng lớn, trong khi nguồn cung liên tục giảm sút suốt nhiều năm qua. Thịt bò trong nước mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng chủ yếu có nguồn cung từ Campuchia, Lào, Thái Lan... nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, với con số ước tính mỗi ngày lên đến 4.000 con. Đến nay, ngay cả nguồn cung từ Campuchia và Lào cũng trở nên khan hiếm.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 nhận xét, bò Úc ít dịch bệnh hơn bò ở Đông Nam Á. Úc là nước có nền chăn nuôi phát triển và là vùng an toàn dịch bệnh. Khi đã có chứng nhận từ cơ quan thú y Úc, bò nhập về Việt Nam chỉ cần lấy máu xét nghiệm các bệnh truyền sang người.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nhập khẩu thịt bò từ nước ngoài là hệ quả tất yếu do nguồn cung trong nước thấp hơn nhiều so với nhu cầu và Việt Nam chưa có chính sách tốt thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt. Tỉ lệ trung bình tiêu thụ thịt bò của thế giới hiện nay là 23% trong khi ở Việt Nam tổng lượng trâu, bò mới chỉ chiếm gần 7% tổng lượng thịt.

Cũng theo ông Vang, bò nhập khẩu từ Úc có giá rất cạnh tranh do họ chăn nuôi quy mô lớn trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống bò chất lượng kém. Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi, giá bò Úc về Việt Nam kể cả thuế ở mức 58.000 đồng/kg (bò hơi) trong khi giá thành bò trong nước ở mức 60.000 đồng/kg. Do đó, bò nuôi trong nước khó cạnh tranh với bò nhập khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện tổng số lượng bò thịt trong nước chỉ còn 5,1 triệu con, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đã có những dự án nâng cao chất lượng giống, tầm vóc bò, nhưng do nguồn thức ăn tươi khan hiếm nên nhiều hộ nông dân đã “quay lưng” với bò. Nếu không có chiến lược đúng đắn, ngành chăn nuôi bò thịt nội địa sẽ không thể “ngóc đầu” lên được.

Theo Chu Khôi
Vneconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.