Doanh nghiệp lãi thật nhưng vẫn kêu lỗ

Doanh nghiệp lãi thật nhưng vẫn kêu lỗ
Sau các đợt thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm doanh nghiệp FDI dùng chiêu “lỗ giả, lãi thật” để trốn thuế.

>Keangnam đòi Bộ Tài chính trả lại tiền
>Doanh nghiệp FDI kêu lỗ triền miên

Coca - Cola Việt Nam là doanh nghiệp FDI “dính” nghi án chuyển giá
Coca - Cola Việt Nam là doanh nghiệp FDI “dính” nghi án chuyển giá. Ảnh: Tấn Thạnh (NLĐ)
 

Tổng cục Thuế vừa kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế. Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các DN này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỉ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỉ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỉ đồng.

Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các DN sau thanh tra, kiểm tra đã tăng lên là 2.599 tỉ đồng, tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỉ đồng. Địa phương có số thuế bị truy thu lớn nhất là Hà Nội: 98 tỉ đồng, TP HCM: 15 tỉ đồng, Thái Bình: 7 tỉ đồng, Lâm Đồng: 5 tỉ đồng; giá trị giảm lỗ lớn nhất là TP HCM với số lỗ giảm là 362 tỉ đồng.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 DN FDI, kết quả cho thấy có 3.175 DN lỗ lũy kế nhiều năm liền nhưng đa số vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu. Các DN này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, chế biến nông - lâm - thủy sản, da giày… Vào thời điểm năm 2010-2011, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các DN trong diện thanh tra, kiểm tra chỉ đạt hơn 10%/năm. Có những địa phương như TP HCM, Lâm Đồng, tỉ lệ DN FDI khai lỗ chiếm hơn 50%.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và DN chế xuất ở Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai được công bố mới đây cũng điểm mặt hàng loạt sai phạm của các DN FDI. Theo đó, qua kiểm tra 399 DN tại thời điểm ngày 31-12-2011, cơ quan này phát hiện 57% DN không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ, không lãi, thậm chí có DN lỗ lũy kế nhiều năm liên tục.

Cụ thể, trong 125 DN hạch toán lỗ có tới 36 DN lỗ 3 năm liên tiếp với mức lỗ lũy kế hơn 2.800 tỉ đồng, 69 DN lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức 1.829 tỉ đồng. Một nghịch lý là tốc độ tăng doanh thu hằng năm của các DN này vẫn cao và hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, ngay cả khi số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu.

Thiếu giải pháp

Thanh tra Chính phủ cho rằng những dữ liệu thông tin trên là biểu hiện của việc chuyển giá nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các DN FDI nên cơ quan thuế không đủ cơ sở để xem xét, xử lý. Kết thúc đợt thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 36.000 tỉ đồng.

Tương tự, các đợt thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá của ngành thuế cũng phát hiện các biểu hiện chuyển giá nhưng không có căn cứ xử phạt do hệ thống thông tin, dữ liệu phân tích các hành vi chuyển giá còn thiếu, trong khi thủ đoạn chuyển giá rất tinh vi với quy mô toàn cầu. Hoạt động chuyển giá là một thách thức không chỉ đối với cơ quan thuế Việt Nam mà còn đối với các nền kinh tế hiện đại như Mỹ, Úc… Bên cạnh đó, xử lý hành vi chuyển giá còn phải cân nhắc vì ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn FDI của quốc gia.

Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2013, Việt Nam bước đầu áp dụng thí điểm cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá (APA). Đây được xem như giải pháp hữu hiệu trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI vì đó là thỏa thuận trước giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về cơ sở tính thuế và phương pháp xác định giá trong các giao dịch.

Theo đó, doanh nghiệp lỗ hay lãi thì khoản thuế phải nộp là không đổi theo mức giá tính thuế được thỏa thuận từ trước. Cơ chế này mới được áp dụng từ ngày 1-7 theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thuế cho rằng để sử dụng APA một cách hiệu quả, Việt Nam cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu để nắm rõ thông tin về hoạt động mua bán, sáp nhập DN, quy định DN cư trú hay không cư trú, nâng cao năng lực phân tích thị trường để có cơ sở đưa ra giá thỏa thuận hợp lý, khả thi.

Theo Tô Hà
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.