Bơm vốn “trẻ hóa” cà phê

Bơm vốn “trẻ hóa” cà phê
TP - Tái canh cà phê là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm cải tạo lại vùng đất trồng cà phê lâu đời cằn cỗi của các tỉnh Tây Nguyên để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê xuất khẩu từ đó cải thiện đời sống bà con dân tộc. Chương trình bắt đầu từ giữa năm 2013, dù mới khởi động vài tháng nhưng đã tăng tốc chạy. Để làm trẻ hóa lại vùng đất cà phê này cần một lượng tín dụng không nhỏ bơm vào.

> Ca cao - Nỗi khổ người trồng
> Cà phê thiệt hại ngàn tỷ vì hái non

ĐắcLắk: chờ hồi sinh

Trung tuần tháng 9 chúng tôi có mặt tại vựa cà phê Tây Nguyên là hai tỉnh ĐắcLắk và Lâm Đồng. Trong cái nắng rói của vùng đất đỏ, chúng tôi có mặt tại vuờn cà phê gia đình Bùi Văn Tân, thuộc nông trường huyện ủy xã Ealai, huyện Madrak. Vườn cà phê của anh Tân hiện không còn nhiều, thay cho những gốc cà phê già tuổi đời đã tới vài chục năm, anh Tân đang làm mới thay bằng những cọc trồng tiêu.

“Cà phê già cằn cho năng suất thấp quá, chỉ hơn tạ/ha nên tôi quyết định sẽ thay”- Anh Tân nói và thừa nhận tại vùng đất này, cây tiêu có sức sống hợp đất hơn nên sẽ dùng nguồn vốn vay Agibank ở phòng giao dịch Madrak chủ yếu vào làm mới lại vườn cà phê bằng tiêu này.

“Định hướng của chúng tôi là cho vay nông nghiệp nông thôn, lâm nông sản. Tam nông là vấn đề cốt lõi” - Phó giám đốc Agribank ĐắcLắk Nguyễn Cam khẳng định. Về chương trình cho bà con nông dân vay trồng cà phê, theo ông ngân hàng không e ngại vì bà con đa phần vay theo Nghị định 41 mức vay thấp nên không có rủi ro hay nợ xấu và Agibank ĐắkLắk đang rất tích cực trong đẩy nhanh nguồn tín dụng cho tái canh.

Vậy nhu cầu nguồn vốn tái canh cà phê tại ĐắkLắk là bao nhiêu? Báo cáo của lãnh đạo tỉnh đưa ra: sẽ cần hơn 4.600 tỷ đồng cho chương trình trong đó vốn tự có chừng 1.600 tỷ. Số còn lại, Giám đốc Agribank ĐăkLắk Võ Huỳnh cho biết: khoảng 3000 tỷ đồng sẽ do ngân hàng Agribank tạo nguồn cho vay. “Vòng đời dự án khoảng 15 năm thời gian hoàn vốn dự kiến 7 năm. Diện tích già cằn cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần cải tạo và trồng mới khoảng hơn 63.000 ha.

Cái khó nhất để trẻ hóa cà phê là nhu cầu vốn. Để trồng mới một ha cà phê cần khoảng 100- 150 triệu đồng. Với lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/năm từ ha cà phê hiện thu nhập của hộ nông dân có 5 khẩu chỉ vào 500 ngàn đồng/người. Để trẻ hóa vườn cà phê cần 3-4 năm, thời gian đó nông dân lấy gì để duy trì cuộc sống”- Một cán bộ tín dụng của chi nhánh băn khoăn. Tuy nhiên cũng khẳng định kiểu gì ngân hàng cũng sẵn sàng cho nông dân vay và nên theo kiểu cuốn chiếu lấy ngắn nuôi dài.

Lâm Đồng: Vẽ bản đồ cà phê thôn bản

Hơn 3 tháng triển khai chuơng trình tín dụng rót vốn tái canh cà phê , Agribank Lâm Đồng đã dắt được lưng vốn kha khá. Bữa đón chúng tôi tại xã Phú Sơn, một xã có cây cà phê “cỗi” nhất tỉnh Lâm Đồng , Phó giám đốc Agribank Lâm Đồng Nguyễn Đức Sanh cùng anh Chu Anh Tuấn, trưởng Ban tín dụng đều chung băn khoăn.

“Xác định tín dụng cà phê là chương trình trọng tâm 2013-2015, ngân hàng đã nỗ lực hết sức để chủ động cùng với chính quyền, nhân dân bắt tay vào thực hiện. Chúng tôi đã yêu cầu các chi nhánh khảo sát từ đó xây dựng bản đồ chi tiết tái canh cà phê đến từng đơn vị hành chính, thôn bản. Trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc, Agribank Lâm Đồng đã có văn bản gửi đến Agribank đề xuất một số vấn đề như nguồn tái cấp vốn, áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay. Lãi suất cho vay tái canh cà phê hiện vào khoảng 10,5%/năm hiện chi nhánh đang tự bỏ nguồn vốn tạm ứng cho chương trình”- Ông Tuấn cho hay.

Trò chuyện, chủ tịch xã Phú Sơn Nguyễn Minh Trung thì phấn khởi kể: Tổng diện tích cà phê xã là 4.530 ha, sản luợng thu hoạch 2,6 tạ/ha với 1.968 hộ trồng cà phê. “Hầu hết bà con đều đăng ký tái canh vì cà phê nơi đây hiện cằn quá rồi. rất nhiều chỗ cà phê thuộc đồn điền từ thời Pháp. Tuy nhiên, cái khó là nhiều hộ nông dân vướng trong quyền sử dụng đất nên rất khó để có sổ đỏ thế chấp vay vốn.

Như để minh chứng cho hiệu quả của những hộ dân đã được rót vốn tái canh, mấy vị cán bộ xã Phú Sơn dẫn đoàn đi sâu vào một vùng đất vốn là đồn điền cà phê khi trước.Xe dừng trước cửa căn nhà của anh nông dân Trần Văn Sương.

Ngay gian buồng liền kề thấy ngổn ngang chất chồng toàn gốc cà phê nay đã được đẽo gọt thành những gốc bàn ghế có hình dáng khá ngộ, anh Sương kể đất cà phê này đuợc 80 năm tuổi rồi.

“Vừa rồi tôi quế định vay ngân hàng Nông nghiệp 120 triệu đồng, để mua 900 gốc cà phê Rusbita và 900 cây cà phê Katimo. Lãi vay thì 10,5% năm với thời gian vay 7 năm trả lãi hàng tháng, gốc chia ra trả. Nói chung, tôi tự tin với phương pháp giống kỹ thuật mới, nếu đuợc đầu tư vườn cà phê sẽ được trẻ hóa và hồi sinh năng suất cao”- Anh Sương nói.

Tái canh cà phê khó nhất điều gì? Anh Hùng, cán bộ khuyến nông xã Phú Sơn chia sẻ: suốt 2 năm qua chuẩn bị tâm lý, vận đông bà con giờ khó nhất là không có nguồn vốn. Vốn vay sẵn đã đành nhưng cái bà con lo là 3 năm vay trồng, nợ vẫn hoàn nợ, thu nhập thêm thì không có. “Chính bởi vậy, tỉnh Lâm Đồng đang cố hết sức như hỗ trợ 50% giá giống, giao Sở nông nghiệp tính toán giải pháp kỹ thuật sao cho rút ngắn ngày thu hoạch. Còn ngân hàng, sẽ tạo điều kiện tối đa về nguồn vốn, lãi suất, thời gian ân hạn nợ” - Ông Sanh khẳng định.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.