Loại bỏ tình trạng “thích làm chủ đầu tư vốn nhà nước”

Loại bỏ tình trạng “thích làm chủ đầu tư vốn nhà nước”
TP - Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 27/9, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dù nước ta có nhiều luật, nhưng đầu tư xây dựng vẫn kém hiệu quả, dàn trải, kém chất lượng, thất thoát, lãng phí; Thủ tục đầu tư nặng cơ chế xin - cho, thiếu công khai minh bạch, thiếu cơ chế kiểm soát…

Theo ông Hùng, sửa đổi Luật Xây dựng là cấp thiết. Đặc biệt, cần quy định lại việc thành lập các Ban quản lý dự án (BQLDA). Nhiều cơ quan, đơn vị không có chuyên môn về xây dựng vẫn đứng ra lập BQLDA. Nên không kiểm soát được quá trình thi công, chất lượng công trình, đội giá thành. Để chuyên nghiệp, có thể chuyển các BQLDA thành các Cty tư vấn quản lý dự án (doanh nghiệp nhà nước). Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ và Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp, Chủ tịch Tập đoàn, Tổng Cty, Chủ đầu tư dự án vốn nhà nước…

Theo người đứng đầu ngành Xây dựng, ai cũng thích làm chủ đầu tư vốn nhà nước, muốn giải ngân thật nhanh, không quan tâm tới chất lượng.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam nhìn nhận, quy định về đối tượng làm chủ đầu tư công trình vốn nhà nước khá “mở” nên thời gian qua nhiều ngành, địa phương có hiện tượng “nở rộ” chủ đầu tư, BQLDA. “Với dự án đầu tư công, ngay trong luật này cần đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn và hướng tới xây dựng tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư”, ông nói.

Thừa nhận tình trạng trên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua có quá nhiều BQLDA, có tỉnh lên tới vài trăm, thậm chí mỗi xã có một BQLDA. Nên có tình trạng thiết kế kỹ thuật không chính xác, nâng khống khối lượng, tổng mức đầu tư… “Thực tế, công trình càng nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa tỷ lệ thất thoát vốn càng lớn vì ít bị thanh tra, giám sát”, ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu ngành Xây dựng, ai cũng thích làm chủ đầu tư vốn nhà nước, muốn giải ngân thật nhanh, không quan tâm tới chất lượng. “Sẽ sửa theo hướng, với công trình sử dụng vốn ngân sách sẽ giao cho các BQLDA chuyên nghiệp làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án, khi nào công trình xong mới bàn giao cho cơ quan, đơn vị sử dụng”, Bộ trưởng Dũng nói. Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã chỉnh sửa 34 lần, dự kiến trình Quốc hội vào năm sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.