Doanh nghiệp FDI kêu lỗ triền miên

Doanh nghiệp FDI kêu lỗ triền miên
TP - Mới đây, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục khai lỗ lớn trong khi vẫn mở rộng đầu tư. Hành vi này gây thất thu ngân sách và có dấu hiệu chuyển giá.

> Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp FDI khai lỗ lớn

Vô lý việc lỗ triền miên nghìn tỷ

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thanh tra việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phát hiện nhiều doanh nghiệp FDI liên tục khai lỗ lớn trong thời gian qua.

Qua kiểm tra 399 doanh nghiệp ở khu chế xuất có số thu phải nộp thuế, đã phát hiện 125 doanh nghiệp hạch toán lỗ trong 3 năm 2009-2011. Trong số này, có 36 doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới trên 2.800 tỷ đồng; 69 doanh nghiệp khác có mức lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ 1.829 tỷ đồng.

Điển hình như Cty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) có số lỗ lũy kế 3 năm lên tới hơn 777 tỷ đồng. Tiếp theo là Cty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, lỗ 3 năm hơn 300 tỷ đồng.

Cty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Thạch Thất-Quốc Oai (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào cuối năm 2010. Nhà máy của Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án FDI lớn nhất năm 2006 và là dự án sản xuất điện tử có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm cấp phép.

Tại Đồng Nai, có 4 doanh nghiệp khai lỗ lớn được kiểm tra. Trong đó, đáng chú ý là Cty TNHH Sản phẩm Công nghiệp Toshiba Asia với mức lỗ lũy kế 3 năm hơn 430 tỷ đồng. Tiếp theo là Cty TNHH Fujitsu Việt Nam với số lỗ lũy kế 2 năm hơn 292 tỷ đồng. Hai công ty còn lại là Kureha Việt Nam (lỗ lũy kế 3 năm 264 tỷ đồng) và Olympus Việt Nam (lỗ lũy kế 2 năm 256 tỷ đồng).

TPHCM và Bình Dương có 2 doanh nghiệp bị phát hiện khai lỗ lớn là Cty TNHH Freetrend Industriala Việt Nam (TPHCM) với mức lỗ 2 năm trên 222 tỷ đồng và Cty TNHH Saigon Stec (Bình Dương) với mức lỗ lũy kế 3 năm trên 218 tỷ đồng.

Chuyển giá?

Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp khai lỗ liên tục và lỗ lớn, một số doanh nghiệp vẫn có tốc độ tăng doanh thu hằng năm cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng. Việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chuyển giá trong giao dịch liên kết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Cục Thuế Hà Nội cho biết, với những dấu hiệu trên, rõ ràng các doanh nghiệp FDI đang chuyển giá. “Thua lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Điều đó chứng tỏ, phần lãi, các công ty đã chuyển ra nước ngoài cho công ty mẹ”, vị cán bộ này nói.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Nếu cơ quan thuế tập trung rà soát lại doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ của doanh nghiệp sẽ biết được có chuyển phần lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài hay không”, ông Thắng nói.

Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng trên không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo nên sự mất công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.