Lo lắng ký quỹ 100 triệu đồng

Lo lắng ký quỹ 100 triệu đồng
TP - Hàn Quốc vừa ký lại thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện quy trình đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS). Đây là tin vui, nhưng số đông NLĐ đang gặp trở ngại từ khoản ký quỹ 100 triệu đồng.

> Xót xa cử nhân ĐH sư phạm thất nghiệp
> Doanh nghiệp “nản” với kỹ năng của SV tốt nghiệp

Mừng lo lẫn lộn

Mới đây, nhân chuyến thăm và làm việc của bà Park Geun-Hye- Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã ký “Thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện quy trình đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm”. Bộ LĐ-TB&XH đang gấp rút đàm phán để tiến tới ký kết “Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS” ngay trong tháng 9 hoặc giữa tháng 10 tới.

Thông tin là đáng mừng đối với khoảng gần 14.000 NLĐ đã có chứng chỉ tiếng Hàn nhưng chưa được xuất cảnh. Sau một năm thấp thỏm, chị T.C. (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vui mừng khi biết chính phủ hai nước vừa ký tiếp thỏa thuận hợp tác lao động.

Theo chị T.C. chị đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, nhưng sau đó phải chờ vì Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. “Tới đây, nếu được đi, lo nhất là khoản ký quỹ 100 triệu đồng”, chị C. nói.

Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.000 lao động học xong ngoại ngữ, hoàn chỉnh hồ sơ, chờ đi làm việc tại Hàn Quốc. “Với số đông lao động, việc ký quỹ 100 triệu đồng có khó khăn. May là đối tượng lao động thuộc diện hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội”, ông Tùng cho biết.

Ông Lê Văn Thúy, quyền phụ trách Phòng Việc làm Lao động Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Nghệ An) cho biết, toàn tỉnh Nghệ An còn 2.456 lao động có chứng chỉ tiếng Hàn nhưng chưa được đi. Sở đã nhận được văn bản về việc NLĐ phải ký quỹ 100 triệu đồng trước khi đi. “Quy định này đang thí điểm. Chuẩn bị triển khai nên chưa biết NLĐ có gặp khó khăn hay không. Với lao động huyện nghèo không lo vì được vay vốn theo quy định nhưng với số đông còn lại nếu không được vay chắc sẽ khó khăn vì 100 triệu đồng là khoản tiền lớn”, ông Thúy nói.

Sẽ khai thông trong tháng 10?

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đang tích cực xây dựng các quy trình để cụ thể hóa các chính sách, giải pháp mà Việt Nam đã cam kết trong việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Đặc biệt là xây dựng quy chế, các căn cứ để xử phạt và quản lý tiền ký quỹ của NLĐ, để hai bên sớm ký kết được Bản ghi nhớ đặc biệt, tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Nguyễn Thanh Hòa cho biết, việc Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam “chỉ là vấn đề thời gian”. Về chủ trương, chính phủ hai nước đồng thuận trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác lao động, sớm ký kết lại thỏa thuận. Các cơ quan thẩm quyền hai nước cũng đang đưa ra những biện pháp để chấn chỉnh chương trình EPS, đặc biệt là giải quyết lao động bỏ trốn. “Hiện, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc đã giảm từ trên 50% xuống 40%”, ông Hòa cho biết.

Theo ông Hòa, nếu không có gì thay đổi, bản ghi nhớ đặc biệt sẽ được ký kết trước ngày 10/10 tới. Khoảng 14.000 lao động sẽ được cung cấp hồ sơ dự tuyển cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn trong 3 tháng cuối năm 2013. Phía Hàn Quốc cũng đã dành 4.600 chỉ tiêu tuyển dụng cho số lao động này. Về khoản tiền ký quỹ, ông Hòa thừa nhận, việc phải bỏ ra khoản tiền lớn để ký quỹ có thể gây khó khăn cho NLĐ. “NLĐ bắt buộc phải tuân thủ hợp đồng. Không thể vì một số người mà làm mất cơ hội của nhiều người”, ông Hòa nói.

Được biết, nếu Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, hồ sơ dự tuyển của những lao động từng tham gia các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn EPS-TOPIK (tháng 12/2011 và tháng 8/2012) sẽ được giới thiệu trở lại cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Hai bên cũng sẽ tổ chức kiểm tra tiếng Hàn cho những lao động thuộc các huyện nghèo đã đăng ký kỳ kiểm tra EPS-TOPIK vào tháng 8/2012 nhưng bị hoãn. Những lao động đã về nước đúng hạn và đã đỗ kỳ kiểm tra EPS-TOPIK trên máy tính mà chưa sang lại Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục được giới thiệu.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ tháng 8/2004. Từ đó đến nay, có trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này. Trung bình, mỗi năm, NLĐ gửi về nước khoảng gần 1 tỷ USD.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.