Đón dòng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam

Đón dòng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam
TP - Việt Nam đang có nhiều lợi thế đón dòng đầu tư mới của Nhật Bản đang trong quá trình chuyển dịch khu vực đầu tư, nhất là từ Trung Quốc, Thái Lan sang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho rằng, nếu Việt Nam không sớm cải thiện môi trường đầu tư, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nguồn vốn vào nước ta.

> Việt Nam - Singapore sẽ ký Hiệp định Đối tác Chiến lược
> Việt Nam - Singapore nhất trí thúc đẩy hợp tác nhiều mặt

Bùng nổ dự án đầu tư từ Nhật Bản

Tại diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản ngày 5/9 tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản có 1.990 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 33 tỷ USD, đứng đầu các nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài- FDI vào Việt Nam. Các dự án của Nhật tập trung ở Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng, ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, thông tin truyền thông…

Tính riêng trong 3 năm lại đây, đầu tư của Nhật Bản vào nước ta cũng tăng rất nhanh. Năm 2011, có 234 dự án đầu tư mới của DN Nhật Bản được cấp phép và chiếm 25% tổng vốn FDI đầu tư vào nước ta; sang năm 2012, số dự án được cấp phép đã lên 317, vốn đăng ký tới 5,6 tỷ USD, chiếm tới 50% vốn FDI vào Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, Nhật có vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 4 tỷ USD. Hiện, Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam (khoảng 24 tỷ USD), chiếm hơn 30% tổng cam kết viện trợ cho Việt Nam.

Ông Daisuke Hiratsuka, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang giai đoạn “bùng nổ”, nhất là các DN vừa và nhỏ. Lượng các nhà đầu tư đến nhờ tư vấn ở các văn phòng của Jetro ở Hà Nội (6.800 người) và TPHCM (5.700 người) tăng mạnh, lần lượt đứng thứ 2 và thứ 5 trong tổng số văn phòng của Jetro trên thế giới.

Theo ông Hiratsuka, ở khu vực châu Á, các nhà đầu tư tập trung vào 2 thị trường là Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, hiện 2 thị trường này gặp vấn đề giá lao động đang tăng cao. Hiện các DN Nhật Bản gặp khó khăn do các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc, nên đang có động thái chuyển một phần mạng lưới sản xuất của nước này ra khỏi Trung Quốc. Do có khoảng cách gần, nên Việt Nam có lợi thế so với các nước khác trong việc đón các nhà đầu tư này.

Trong khi đó, nếu DN Nhật rời Thái Lan, Campuchia sẽ là điểm thuận lợi hơn Việt Nam, do vị trí gần. “Việt Nam có lao động dồi dào, giá rẻ, lại có quan hệ rất tốt với Nhật Bản trong 40 năm qua. Vậy thì cần có một chính sách thu hút hơn hẳn Campuchia mới kéo được các nhà đầu tư Nhật Bản qua” - ông Hiratsuka nói.

Lắng nghe để cải thiện

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam-ông Yasuaki Tanizaki cho biết, ba vấn đề lớn Việt Nam cần tiếp tục khắc phục là cải thiện thể chế, hoàn thiện hạ tầng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Theo ông, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải một số tác động không tốt, chậm trong cải cách thủ tục hành chính, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm, mất cân bằng cung cầu một số sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là thị trường bất động sản.

Đại sứ Tanizaki cho rằng, nếu Việt Nam không sớm giải quyết những vấn đề cấp bách trong hệ thống ngân hàng, có thể ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản trong dài hạn.

Theo ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), điểm thu hút đầu tiên của Việt Nam chính là sự thiện cảm, trước khi nói về các yêu tố khác.

Tuy nhiên, ông Sato thẳng thắn, Việt Nam đang thiếu nhân lực quản lý cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, điện cung cấp không ổn định, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tính minh bạch chưa cao, thuế bất cập, hay thay đổi, thiếu liên hệ giữa các bộ ngành…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, trong giai đoạn 5 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản (thực hiện từ tháng 8/2013 đến năm 2015), Việt Nam sẽ tập trung nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư như: Cải thiện hệ thống pháp luật, vận dụng pháp luật, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ, môi trường, bán lẻ, lưu thông, bất động sản, ngân hàng, dịch vụ, an toàn thực phẩm…
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.