Bánh Trung thu: Đắt hàng hạng sang mua làm quà biếu?

Bánh Trung thu: Đắt hàng hạng sang mua làm quà biếu?
TP - Thị trường bánh Trung thu khởi động được hơn nửa tháng nay, nhưng ghi nhận cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn khiêm tốn dù đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh vẫn lạc quan dự tính sức mua sẽ tăng khoảng 10%.

> Bánh trung thu Long Đình - Quà đẹp mùa trăng

Phố bánh thưa thớt khách

Các nhà sản xuất bánh Trung thu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương, Long Đình, Hải Hà… đã tung sản phẩm ra thị trường. Bánh Trung thu không chỉ phân phối cho hệ thống cửa hàng siêu thị mà các nhà sản xuất còn tranh thủ dựng cả quầy trên vỉa hè nhiều tuyến phố để trực tiếp đón khách mua.

Tại các “tuyến phố” bánh Trung thu tại Hà Nội như Phạm Hùng, Kim Mã...; đường Lê Văn Lương tập trung san sát nhiều quầy hàng dành cho người tiêu dùng bình dân. Tuy nhiên, quầy thì nhiều mà người mua chẳng thấy đâu. Chị Thiện, nhân viên bán bánh Hữu Nghị trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đánh giá, lượng khách năm nay giảm một nửa so với năm ngoái.

“Tầm này năm ngoái, mỗi ngày bán được khoảng 5 triệu đồng, nhưng nay chỉ được 2-3 triệu đồng/ngày. Khách chủ yếu mua bánh lẻ mức giá dưới 40.000 đồng/chiếc”, chị Thiện nói. Theo chị, với loại bánh bán theo hộp, năm nay công ty giảm số hộp to 6-8 chiếc, tập trung cho những hộp số lượng 4 chiếc/hộp để giảm giá thành (còn dưới 300.000 đồng/hộp).

Cũng trong cảnh “chầu” khách, chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên bán bánh Kinh Đô (dọc tuyến Lê Văn Lương) chia sẻ: “Kinh tế khó khăn, ai cũng thắt chặt chi tiêu. Người mua chủ yếu để ăn thử, hoặc cúng lễ mùng một và rằm, mua làm quà vẫn chưa nhiều”. Năm nay xu hướng người tiêu dùng chủ yếu chuộng các sản phẩm nguyên liệu tự nhiên, như đỗ xanh, chè xanh, bánh chay, không đường hoặc ít ngọt...”.

Cũng dọc tuyến đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) các quầy bánh Trung thu của gần chục hãng khác nhau mọc lên san sát, chiếm gần hết vỉa hè. Nhưng chẳng mấy người mua, nhân viên người nằm ngủ, người ngồi ngáp vặt trông hàng. Có quầy dài cả chục mét chỉ một nhân viên ngồi trông. “Con đòi nên ra mua vài cái cả nhà ăn chơi, chỉ chọn loại 50.000 đồng/chiếc. Mua biếu phải ít hôm nữa, tới tháng lương mới tính”, chị Nguyễn Bích Ngọc (Từ Liêm, Hà Nội) nói khi đợi nhân viên hãng Hữu Nghị xếp bánh vào hộp.

Tại làng bánh truyền thống Xuân Đỉnh (Từ Liêm, HN), các năm trước, nhiều lò bánh bán hàng kém chất lượng bị tẩy chay; năm nay một số đã thay đổi cách làm ăn. “Để đảm bảo vệ sinh công nhân đều phải mặc bảo hộ, bao tay, hàng hóa để trên kệ… Nhà tôi mở cửa cả ngày để người đi đường cũng thấy quá trình làm bánh, trộn bột, đúc khuôn, nướng…”, ông Nguyễn Công Chung-chủ lò bánh Bình Chung (103 Xuân Đỉnh) nói. Có lẽ nhờ vậy, ông Chung bán được khoảng 300 chiếc/ngày. Lò bánh nhà ông Chung cũng mới được quản lý thị trường đến kiểm tra. Theo ông, về vấn đề an toàn thực phẩm là đảm bảo.

Bánh sang: Mua để biếu?

Trái ngược với cảnh đìu hiu của loại bình dân, phân khúc bánh Trung thu cao cấp ghi nhận có phần sôi động hơn. Nhiều thương hiệu như Long Đình, Hilton Hanoi Opera, Fortuna… Giá từ trên 600.000 đồng/hộp tới hơn 16 triệu đồng/hộp. Năm nay, theo các nhà sản xuất, giá bánh cao cấp tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Tại cửa hàng bánh của khách sạn Daewoo (Hà Nội), có nhiều mức giá khác nhau. Giá cao hay thấp phụ thuộc vào phụ kiện đi kèm là trà hay rượu. Giá thấp nhất là 680.000 đồng/hộp 6 chiếc bánh, cao nhất 16,2 triệu đồng/hộp có kèm rượu. “Mỗi ngày có từ 15-20 khách mua, nhưng họ chủ yếu chọn dòng sản phẩm 680.000 đồng/hộp hoặc 890.000 đồng/hộp (kèm hộp trà)”, chị Nguyễn Minh Hằng- nhân viên Daewoo nói. Lý giải cho mức tiêu thụ này, chị Hằng cho hay đối tượng khách hàng mua chủ yếu dùng để biếu “Đa phần các công ty đặt là chính” chị Hằng nói.

Tương tự, nhân viên khách sạn Fortuna Hà Nội cho hay, mỗi ngày khách sạn này bán được khoảng 20 hộp bánh. Giá thấp nhất là hộp 1 bánh, 650.000 đồng. Tham gia phân khúc cao cấp với “hàng độc”, khách sạn Sofitel Hà Nội chào bán những hộp bánh mạ vàng 24k hình rồng (gần 6,5 triệu đồng/hộp) hoặc cá (trên 3,5 triệu đồng/hộp), khách hàng phải đặt trước ít nhất 4 ngày.

Bánh Long Đình loại cao cấp nhất có tên Long Đình An Quý, giá 4,2 triệu đồng/hộp. Các hãng khác như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương, Hải Hà… cũng có những sản phẩm cao cấp, nhưng mức giá thấp hơn, giao động từ 2-3 triệu đồng/hộp. Đại diện Cty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cho biết, năm nay sản xuất khoảng 12 triệu chiếc bánh các loại. “Thống kê từ các cửa hàng những ngày đầu cho thấy, dòng cao cấp được đặt mua khá nhiều, công ty liên tục phải tăng cường thêm hàng”, đại diện Hữu Nghị nói. Ông Nguyễn Xuân Luân- Phó Tổng GĐ Cty Kinh Đô cho biết, sau gần 1 tháng đưa bánh ra thị trường, sản lượng tiêu thụ tăng 15% so với cùng kỳ.

Về vấn đề an toàn thực phẩm đang được nhiều khách hàng quan tâm, ông Nguyễn Đắc Lộc- Chi cục phó Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, hồi đầu tháng 8 vừa qua, lấy một số mẫu bánh Trung thu bày bán trên thị trường xét nghiệm, kết quả vẫn chưa phát hiện vấn đề gì. Ông Lộc khuyến cáo người tiêu dùng nên mua bánh ở đúng cửa hàng của nhà sản xuất, đầy đủ thông tin sản phẩm, hạn sử dụng… trên bao bì.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG