Thủy điện Đa Nhim thắm tình Việt-Nhật

Thủy điện Đa Nhim thắm tình Việt-Nhật
TP - Thủy điện Đa Nhim là một trong số những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta thuộc nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai. Công trình được coi là một biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

> Đột phá tiết kiệm điện của ông chủ trang trại thanh long
> Chia sẻ khó khăn với ngành điện

Biểu tượng của tình hữu nghị

Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) được khởi công xây dựng vào tháng 1 năm 1962 đến tháng 12 năm 1964 với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Nhà máy có tổng công suất thiết kế lắp đặt là 160 MW gồm 4 tổ máy, sản điện lượng bình quân hàng năm khoảng 1 tỷ kWh.

Để có nhà máy như hôm nay, biết bao kỹ sư trẻ của Nhật Bản và Việt Nam đã nằm xuống với đất. “Dù đã 50 năm đã trôi qua, nhưng cán bộ công nhân viên nhà máy vẫn luôn luôn biết ơn những người đã ngã xuống vì dòng điện cho miền Nam”, ông Nguyễn Trọng Oánh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi nói.

Theo ông Oánh, trong thời gian chiến tranh, nhà máy có lúc ngừng hoạt động vì bị phá đường ống, suốt giai đoạn này nhà máy hoạt động chỉ để giữ gìn tổ máy, cung cấp điện cho miền Nam Việt Nam với sản lượng ít.

Sau năm 1975, lực lượng kỹ sư công nhân tại chỗ ở lại giữ nhà máy và cán bộ kỹ thuật từ phía Bắc vào đã tập trung phục hồi nhà máy vận hành ổn định trong vòng 6 tháng. Đây là giai đoạn rất khó khăn nhưng đã thể hiện được khả năng của các kỹ sư công nhân Việt Nam.

Từ năm 1975 đến năm 2000 nhà máy thủy điện Đa Nhim là đơn vị độc lập nằm trong Công ty Điện lực 2, sau đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Với sự nỗ lực của cán bộ kỹ sư công nhân nhà máy đã duy trì được sự hoạt động ổn định trong hoàn cảnh thiếu thốn vật tư, thiết bị đặc biệt trong thời gian cấm vận, các thiết bị máy rất khó nhập khẩu.

Năm 1996, Chính phủ Việt Nam quyết định xuất 66,54 triệu USD để cải tạo lại thiết bị và đường dây trong đó có 7 tỷ Yên (tương đương 48,6 triệu USD) là vốn vay ưu đãi từ Nhật Bản, 2,9 triệu USD là vốn đối ứng trong nước, còn lại là của các nhà tài trợ quốc tế khác.

Từ cuối năm 2000, nhà máy thủy điện Đa Nhim đã sáp nhập tạo thành cụm nhà máy Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, đây là mô hình mới do Tổng công ty Điện lực Việt Nam phát triển mô hình. Phát huy lợi thế nguồn nhân lực, kinh nghiệm điều hành quản lý và lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề từ Đa Nhim tiếp quản cụm nhà máy Hàm Thuận - Đa Nhim.

Tiếp đến, năm 2005, nhà máy Đa Nhim được đưa vào phục hồi sau 40 năm vận hành. Việc phục hồi được thực hiện các hạng mục: thay đổi mới stator máy phát, các ổ trục đỡ, hệ thống kích từ, máy biến thế và hệ thống điều khiển máy phát điện, thay thế mới turbine, van chính, hệ thống điều tốc, hệ thống cung cấp dầu áp suất điều khiển và hệ thống thiết bị cơ khí thủy công, hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn và đường dây 230 kV Đa Nhim - Long Bình.

Nguồn vốn được vay từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản. Dự án phục hồi hoàn toàn năm 2008 với tổng số tiền là 620 tỷ VNĐ. Những nhà thầu được chọn để thực hiện Dự án phục hồi Nhà máy gồm Liên doanh giữa Công ty Mitsubishi và Công ty Mitsubishi Electric Nhật Bản; Công ty Sojitz và Công ty Toshiba Nhật Bản; Công ty Tecapro Việt Nam và Công ty Vaisala Phần Lan. Nhà thầu tư vấn chính của Dự án là Công ty Nippon Koei - Nhật Bản.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi, đây là công trình cho biểu tượng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Dự án có chất lượng về xây dựng và thiết bị rất tốt, ổn định.

“Có thể nói người Việt Nam đã được tiếp quản một công trình rất tiên tiến vào thời điểm đó, trình độ quản lý giai đoạn đó rất cao. Hiện, những vấn đề liên quan đến thiết bị không có vấn đề gì lớn, các tổ máy huy động ở công suất định mức rất cao, bình quân nhiều năm, mỗi tổ máy hoạt động từ 7.000-8.000 giờ/năm”, ông Oánh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Phó Giám đốc nhà máy thủy điện Đa Nhim cũng đánh giá, trước đây, Đa Nhim là công trình thủy điện số 1 Đông Nam Á.

50 năm vẫn oai hùng

Đến nay, Đa Nhim - Hàm Thuận- Đa Mi đang quản lý, vận hành 13 tổ máy với tổng công suất là 642,5 MW. Điện lượng bình quân hàng năm là 2,6 tỷ kWh. Trên dòng chảy sông Pha do lưu lượng đều từ Đa Nhim chảy xuống nên ngoài mục tiêu cấp nước cho đồng bằng Ninh Thuận và thành phố Phan Rang, tiềm năng khai thác thủy điện vẫn còn và với lưu lượng ổn định như thế này tôi nghĩ trong tương lai còn có thể phát triển tốt những nhà máy thủy điện nhỏ phía sau.

Theo ông Oánh, những dự án trong tương lai, Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã đạt được thỏa thuận với Jica (Nhật Bản) sẽ tài trợ dự án mở rộng của Đa Nhim thêm tổ máy 80 MW. Thời gian dự kiến khởi công là năm 2014, phát điện vào năm 2016. Thêm 80 MW sẽ giảm bớt sự căng thẳng về việc cung cấp điện cho khu vực phía Nam.

Ông Oánh cho biết, dự án mở rộng Đa Nhim, hiện nay đã thỏa thuận với Jica dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ, Jica tài trợ 85% và phần đối ứng của công ty là 15%.

Jica đã rất ủng hộ, tích cực cử các đoàn sang trong vòng một năm đã đi đến thỏa thuận cuối cùng. Dự kiến đến cuối tháng 9/2013 sẽ ký hiệp định vay vốn giữa 2 chính phủ. Đại diện Jica đã thăm các nhà máy thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận - Đa Mi họ đánh giá cao năng lực quản lý, chất lượng của 3 nhà máy.

Ông Oánh cho biết, kinh nghiệm trong việc mở rộng nhà máy là do xu thế của thủy điện trong tương lai. Khi tỷ trọng giữa thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử tỷ trọng có sự điều chỉnh và lúc đó, đối với các nhà máy thủy điện sẽ khác. Như ở thủy điện Đa Nhim gần như là chế độ chạy toàn thời gian, chạy đáy tương lai sẽ chuyển sang chạy đỉnh. Như vậy, nhu cầu mở rộng công suất chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng tiếp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG