Theo Tổng cục Thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra giảm 2/3 công suất và cắt giảm 30 - 50% lao động. |
“Tăng trưởng ổn định”
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra “hầu hết các thị trường giữ tốc độ tăng trưởng ổn định”. Trong đó, vào Mỹ tăng 7,5%, cao nhất là Brazil tăng 77,3%. Đã xuất sang 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 130 cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu 985 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ, do thị trường EU giảm 12,7%.
Giá cá tra nguyên liệu “phục hồi mạnh mẽ trong hai tuần đầu tháng 8”, tại ao hiện là 21.000 đ/kg, tăng ít nhất 2.000 đ/kg so với đầu tháng 8.
Những thông tin trên, ngược với dự báo của Bộ NN&PTNT cũng như VASEP tại cuộc họp ở Cần Thơ hơn một tháng trước, ngày 5/7/2013. Khi đó, Mỹ vừa công bố mức thuế chống bán phá giá lần thứ 8 và các dự báo đều u ám, nhưng thực tế cá tra vào Mỹ đã tăng liên tục, hiện nay Mỹ là thị trường nhập cá tra lớn nhất.
Thời gian qua, các thông tin dự báo cũng như thống kê của các cơ quan liên quan, hầu như đều sai hoặc mâu thuẫn. Về diện tích nuôi cá tra, theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 16/8, tăng 4,2% và sản lượng tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Còn theo VASEP, “so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cá tra của hầu hết các địa phương đều giảm: Bến Tre giảm 4,3%, Cần Thơ giảm 25%, Vĩnh Long giảm 7,8%, Đồng Tháp giảm 0,8%”, cũng vì giảm sản lượng nên giá hiện nay mới tăng.
Ông Võ Hùng Dũng, GĐ Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đưa ra nhiều dự báo… sai của VASEP trong mấy năm gần đây. Đầu năm 2011, lãnh đạo VASEP dự báo năm 2011 so với năm 2010, sản lượng cá tra và kim ngạch sẽ giảm nhưng thực tế đều tăng (kim ngạch tăng 28%). Năm 2012, dự báo kim ngạch tăng thì thực tế lại giảm 9%.
Ông Hồ Văn Nghĩa, Cao Hữu Sang, Lê Tấn Lợi (từ phải qua), nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bị chiếm dụng vốn, nay sạt nghiệp hoặc thua lỗ. |
“Nuốt chửng nông dân”
Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho rằng, diện tích nuôi cá tra đang giảm, không chỉ ngược với con số của Bộ NN&PTNT mà ông còn cảnh báo nguy cơ tăng nợ xấu ở các ngân hàng.
Ông Minh nêu con số của ngành ngân hàng, tính đến ngày 15/8, doanh số cho vay ngành cá tra hơn 37.000 tỷ đồng (nuôi cá hơn 10.000 tỷ đồng), tăng mạnh so với cuối năm 2012, trong lúc hai tháng gần đây lượng thức ăn bán ra giảm khoảng 30%, nghĩa là lượng cá nuôi giảm mạnh, “vậy tiền đi đâu?”.
Tình hình xuất khẩu cá tra, các ý kiến tại hội nghị nói, vẫn “rất lộn xộn”. Theo ông Minh, hiện có 152 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng chỉ dưới 60 doanh nghiệp có nhà máy chế biến, nên khoảng 90% doanh nghiệp xuất khẩu với giá dưới 2 USD/kg. Trong số trên dưới 20 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ 7 tháng đầu năm 2013, Cty TNHH Thương mại Tâm An xuất giá cao nhất, gần 8 USD/kg, còn doanh nghiệp xuất giá thấp nhất chỉ 1,44 USD/kg.
Xuất giá thấp, nhiều doanh nghiệp “quay lại ép giá mua nguyên liệu trong nước” và “chiếm dụng vốn của người nuôi”, báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản. Cũng vì vậy, nhiều nông dân lâm nợ nần kéo dài, treo ao, sạt nghiệp.
Vẫn theo Tổng cục Thuỷ sản, một số doanh nghiệp đã mở rộng vùng nguyên liệu “bằng cách thuê lại ao của dân”. Còn nói như GĐ Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải: “Doanh nghiệp đã nuốt chửng người nuôi cá”.
Báo Tiền Phong gần đây phản ánh tình trạng xuất khẩu cá tra nguyên con hoặc bỏ đầu và nội tạng. Việc xuất khẩu như thế, Tổng cục Thuỷ sản cho rằng “cần phải sớm chấn chỉnh để hạn chế”.
Nhưng ông Minh lại cho rằng, khó khăn quá, thị trường cần gì thì phải đáp ứng thứ đó, quan trọng là có lời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nguyên con cho biết, không có lời, chỉ duy trì việc làm cho công nhân.
Đến hội nghị, GĐ Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cầm theo “Bức tâm thư gửi lãnh đạo Đảng”. Thư có đoạn: “Nông dân bán cá tra cho doanh nghiệp chỉ nhận được tờ giấy hợp đồng, doanh nghiệp trả tiền trễ hẹn nhiều tháng hoặc kéo dài hàng năm, giá trị nhiều tỷ đồng, nông dân phải nộp lãi hàng tháng cho ngân hàng. Việc xảy ra hơn chục năm qua chẳng ai làm được gì, pháp luật chẳng chế tài được. Nông dân đã cắn cỏ kêu trời nhưng trời cao không thấu, đã than van trách phận nhưng không xúc động được lòng ai. Nên doanh nghiệp nuốt chửng người nuôi cá”. |