> Giải mã giá điện tăng
> Tâm trạng 'khó tả' của Bộ trưởng Công thương khi tăng giá điện
Mắc kẹt
Khác với tâm trạng hoan hỷ trong hai ngày đầu tiên ôm cổ phiếu ngành điện với kỳ vọng việc điều chỉnh giá sẽ giúp các doanh nghiệp có động lực “thăng hoa”, tăng doanh thu, hàng loạt nhà đầu tư đã phải nghiến răng chấp nhận cắt lỗ để bảo toàn vốn.
Anh H., nhà đầu tư tại sàn Bảo Việt và VCBS cho biết, thị trường ảm đạm nhiều tháng qua nên khi ngành điện bất ngờ tăng giá cuối ngày 31/7, anh và một người bạn ôm vào tổng cộng hơn 30.000 cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện như KHP của Cty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, VHS của Cty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh và PPC của Cty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại. “Sau khi các chuyên gia mổ xẻ về giá điện, nhiều cổ phiếu ngành điện lập tức quay đầu giảm điểm. Sau đúng 1 tuần, đến giờ chúng tôi bị lỗ ước chừng hơn 50 triệu đồng”, anh H. cho biết.
Cũng dính “quả đắng” tương tự, anh Nguyễn Thiện Đức, nhà đầu tư tại sàn ACB cho biết, sau khi ném tiền với kỳ vọng kiếm lời từ việc cổ phiếu ngành điện tăng “ăn theo” giá điện tăng, nhiều mã cổ phiếu quay đầu lao dốc trong suốt cả tuần qua khiến anh gần như cháy túi.
Ngày 1/8, giá NBP của Cty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình lên 13.600 đồng, nay còn 12.800 đồng/cổ phiếu. BTP từ 15.300 đồng đến nay xuống còn 13.600 đồng/cổ phiếu, RHC của Cty Thủy điện Ry Ninh II cũng giảm mạnh từ 16.800 đồng xuống 15.600 đồng/cổ phiếu. “Bạn bè khuyên cắt lỗ nhưng với việc một số doanh nghiệp ngành điện bắt đầu công bố lợi nhuận khủng đạt được trong 6 tháng qua, hy vọng giá nhiều mã sẽ quay đầu đi lên trong tuần tới”, anh nói.
Về việc nhà đầu tư mắc kẹt với cổ phiếu ngành điện, đại diện Cty chứng khoán FPT (FPTS) khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng việc giải ngân và chờ đợi thị trường cân bằng hơn cùng những diễn biến tiếp theo của thanh khoản. Nếu xu hướng tiếp tục đi xuống thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết, đặc biệt là khi chênh lệch giữa hoạt động mua – bán của khối ngoại vẫn tiếp diễn theo chiều hướng tiêu cực.
Kêu khó DN vẫn lãi lớn
Trong khi người dân chật vật lo giá cả tăng theo giá điện, nhà đầu tư liên tục mắc kẹt với cổ phiếu ngành điện (cả trong và ngoài EVN), nhiều doanh nghiệp ngành điện hồ hởi thông báo đạt mức lợi nhuận khủng trong quý II và cả trong sáu tháng đầu năm.
Theo báo cáo tài chính vừa được Cty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố, trong quý, doanh thu thuần của Cty đạt 1.851 tỷ đồng, lũy kế sáu tháng đạt 3.623,5 tỷ đồng. Lãi ròng quý II của Cty đạt tới 366,6 tỷ đồng (gấp 5,6 lần so với cùng kỳ) còn tính lũy kế sáu tháng đạt 1.310 tỷ đồng (tăng gấp 6,6 lần so với cùng kỳ).
Một doanh nghiệp nhiệt điện khác cũng công bố mức lợi nhuận khủng là Cty CP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP). Riêng trong quý II, Cty đạt doanh thu tới 413 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ), lũy kế sáu tháng đầu năm đạt hơn 790 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ đánh giá lại khoản chênh lệch tỷ giá vốn vay ngoại tệ, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của BTP tăng 25%, đạt hơn 70 tỷ đồng.
Miền Trung và Tây Nguyên, nhiều đơn vị vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt. Như Cty CP Thủy điện Sông Ba (SBA) trong quý vừa qua đạt kết quả khá khả quan với lợi nhuận sau thuế hơn 2,7 tỷ đồng (tăng 54,6%). Cty CP Thủy điện Nậm Mu (HJS) cũng thông báo đạt lợi nhuận sau thuế trong quý 9,7 tỷ đồng (tăng 22%). Theo giải trình của HJS, việc lợi nhuận quý II tăng mạnh so với cùng kỳ là do giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm. Cty CP Thủy điện Cần Đơn (SJD) cũng báo lợi nhuận tăng gần 12 tỷ đồng.
Cùng có mặt trong danh sách báo lãi có Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB) với doanh thu thuần quý II đạt gần 26 tỷ đồng, lãi đạt 11,7 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, SEB lãi gần 27 tỷ đồng. Được đánh giá kinh doanh không thuận lợi trong sáu tháng đầu năm nhưng Cty CP Đầu tư Điện Tây Nguyên (TIC) lãi ròng 4,6 tỷ đồng trong quý II, tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, TIC lãi ròng 4,8 tỷ đồng tăng 5 lần so với mức 940 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính quý II của Cty CP Thủy điện Thác Bà (TBC), lợi nhuận quý 2/2013 tăng trưởng mạnh là do giá bán điện tăng và doanh thu tăng thêm do Công ty tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, dù kêu về tình hình khô hạn, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong các tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp điện vẫn đạt được mức lợi nhuận khủng, cho thấy lợi nhuận từ đầu tư ngành điện rất lớn. Dự báo, với việc giá điện tăng thêm 5% từ 1/8 và tình hình thủy văn đang rất tốt như hiện nay, đến cuối năm sẽ có nhiều doanh nghiệp ngành điện báo lãi khủng hơn nữa (?!). |