Doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu

Doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu
TP - Ngột ngạt, bị chèn ép, cầu xin, cầu cứu… là những cụm từ được người đại diện các doanh nghiệp (DN) tỉnh Bình Phước sử dụng tại cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho DN do Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước tổ chức hôm 1/8.

> Nguy cơ doanh nghiệp phá sản vì cảnh sát môi trường
> Cảnh sát môi trường Bình Phước có lạm quyền?

Bị ngược đãi

“Những gì chính quyền ở địa phương thực hiện đã gây cho DN chúng tôi rất nhiều khó khăn và trở ngại. Tôi có cảm giác là việc điều hành của địa phương này đi ngược lại chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước”- ông Hoàng Mạnh Bình-Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Bình Phước thẳng thắn nói khi mở đầu buổi tọa đàm.

Theo ông Bình, bầu không khí đầu tư thân thiện tại Bình Phước đang dần giảm sút, thay cho sự cởi mở, mời gọi trước đây là bầu không khí ngột ngạt. Và sự chèn ép, gây khó dễ của chính quyền đối với rất nhiều DN đã trở thành tình trạng phổ biến ở Bình Phước.

Trên cơ sở tập hợp ý kiến phản ánh của các DN trên địa bàn, ông Bình cho biết có 3 vấn lớn đề nổi cộm đang khiến các DN vô cùng bức xúc, đó là việc thanh kiểm tra, việc thu thuế và xử lý ô nhiễm môi trường.

“Các cơ quan chức năng đã gây nhiều thiệt hại, phiền nhiễu cho DN trong vấn đề thanh tra và kiểm tra DN. Việc thanh tra kiểm tra diễn ra hết sức chồng chéo, kéo dài quá thời hạn so với luật định và có rất nhiều sai phạm” –ông Bình nói, đồng thời nêu ví dụ về trường hợp Cty CP Phú Vinh.

Công an môi trường tỉnh này bỗng dưng ập đến quay phim, chụp hình mà không hề thông báo cho DN khiến người xung quanh và khách hàng e ngại, gây ảnh hưởng uy tín của DN. Trong vòng 12 tháng (từ 12/2011 đến 12/2012), DN này đã bị 11 lần thanh tra và kiểm tra.

Về vấn đề nợ thuế, theo ông Bình, ngành thuế không phân biệt các đối tượng nợ thuế, đối tượng nào cần phải xử lý, đối tượng nào cần phải tạo cho họ lộ trình để họ nộp thuế tạo điều kiện cho họ làm ăn. Không những thế, ông Bình nói, ngành thuế tỉnh này còn có những biện pháp xử lý hết sức kỳ quặc là liên tục phát danh sánh các DN nợ thuế trên đài phát thanh cả tháng. Đồng thời với đó là ban hành các quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, cưỡng chế thu hồi nợ các khách hàng. “Làm như thế đã đưa DN từ chưa chết đến chết luôn”- ông Bình nói.

Phá sản, rút lui khỏi Bình Phước

Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại – Dịch vụ Hưng Phước ở huyện Bù Đốp là DN sản xuất thủ công mỹ nghệ, phát triển rừng, tạo việc làm cho người tàn tật, sau cai nghiện, sau thi hành án và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ông Trần Văn Tỵ Giám đốc công ty kể, từ năm 2005, ông đến địa phương này để đầu tư và xin thuê 10 ha đất để trồng nguyên liệu tre, lồ ồ… nhằm mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần khẩn cầu nhưng không được chính quyền đáp ứng và cũng không cho biết rõ lý do.

Không riêng Hưng Phước, ông Tỵ cho biết ít nhất có 3 DN khác cũng có nhu cầu tương tự nhưng không được chấp thuận. “Tôi khẩn cầu một lần này nữa, nếu không đáp ứng, tôi xin rút lui khỏi Bình Phước”- ông nói.

Công ty Vina Phygen, 100% vốn Hàn Quốc được UBND tỉnh cấp phép đầu tư trồng xoan trên diện tích 671 ha. Ông Trần Ngọc Hải, đại diện công ty cho biết công ty đã đầu tư vào dự án 2,08 triệu USD.

Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy cây xoan kém hiệu quả vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp. Công ty xin chuyển đổi sang trồng cao su và đã phải bán xoan trước khi chuyển đổi sang cây cao su. Nhưng việc làm này đã không được tỉnh chấp nhận vì cho rằng Công ty Vina Phygen “bán” dự án chứ không phải bán tài sản hình thành trên đất.

Không những thế, UBND tỉnh Bình Phước còn ra quyết định thu hồi dự án và giao toàn bộ diện tích đất dự án cho công ty cao su Sông Bé. “Tự dưng giao tài sản của một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cho một doanh nghiệp khác là thế nào?”- ông Hải đặt vấn đề.

Theo ông Hải, Công ty Vina Phygen đã kiện UBND tỉnh Bình Phước ra tòa án tỉnh Bình Phước. Nhưng không biết lý do gì DN này bị thu hồi cả giấy phép kinh doanh và tiến đến phá sản.

Các doanh nghiệp xây dựng, cầu đường ở tỉnh này cũng được cho là đang điêu đứng vì sự tắc trách của chính quyền địa phương. Ông Trần Hữu Loan - Phó chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Bình Phước cho biết có những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng 11 năm chưa quyết toán cho doanh nghiệp. “DN vay ngân hàng thì phải trả lãi, ngược lại Nhà nước nợ tiền DN thì không bao giờ tính đồng nào. Còn DN nộp thuế trả chậm thì phạt, bêu riếu”- ông Loan nói.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Vinh- Cục phó Cục thuế tỉnh Bình Phước tái khẳng định: Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Công ty CP chăn nuôi Bình Phước trốn thuế. Ông Nguyễn Song Đoàn –Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định Công ty CP chăn nuôi Bình Phước làm đúng quy định và có đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, trước đó, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49), Công an tỉnh Bình Phước cho rằng Công ty CP chăn nuôi Bình Phước có dấu hiệu vi phạm hai lĩnh vực kể trên và “quyết tâm” điều tra, gây khó khăn không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN này (vấn đề này đã được phản ánh trên Tiền Phong số ra ngày 18 và 19/7/2013)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.