VNPT trích vượt quỹ phúc lợi 1.100 tỷ đồng

VNPT trích vượt quỹ phúc lợi 1.100 tỷ đồng
TP - Cùng với việc điểm mặt, chỉ tên các dự án gây lãng phí, thiệt hại vốn thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thanh tra Chính phủ phát hiện Tập đoàn trích vượt quỹ khen thưởng phúc lợi hơn 1.100 tỷ đồng.

> Phó Thủ tướng cho ý kiến về xử lý sau thanh tra VNPT
> Hàng loạt sai phạm kinh tế tại VNPT

Đó là kết quả thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNPT (giai đoạn 2006 – 2011) được TTCP công bố vào sáng 19/7.

Lãng phí, thiệt hại cả trăm tỷ

Theo TTCP, giai đoạn từ năm 2006 - 2011, VNPT đã thực hiện đầu tư hơn 40.000 dự án với tổng mức đầu tư lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng. Do số lượng dự án đầu tư lớn, quá trình thực hiện có nhiều dự án thay đổi, chậm tiến độ (trung bình mỗi dự án chậm 7,8 tháng) làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn, nhất là các dự án mua sắm thiết bị lớn.

 “VNPT hạch toán tăng doanh thu cuối năm 2011 bằng việc xuất thẻ di động trả trước gần 4.500 tỷ đồng, dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh trên báo cáo tài chính hằng năm của các đơn vị chưa đúng với thực tế và khiến đơn vị kinh doanh có lãi trở thành lỗ và ngược lại”.  

Trích kết luận thanh tra

Điển hình như dự án đầu tư tuyến cáp quang biển trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản chậm tiến độ gần 10 năm. Nguyên nhân chính do quá trình khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, phê duyệt thực hiện kéo dài 4 năm. Ngoài ra, TTCP cho rằng, VNPT cũng chưa tổ chức thực hiện đúng các yêu cầu quy định, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Tại dự án Cityphone tại Hà Nội và TPHCM, do khảo sát, tính toán và đánh giá xu hướng phát triển của thị trường viễn thông chưa tốt, tầm nhìn hạn chế nên sau một thời gian dự án không còn tồn tại trên thị trường, gây lỗ hơn 168 tỷ đồng. Tương tự, dự án cáp đồng (mục tiêu phát triển mạng ngoại vi, mạng cố định) còn tồn kho vật tư cáp các loại trị giá 70 tỷ đồng.

Vinasat lỗ vượt dự kiến trên 300 tỷ đồng

Cũng theo TTCP, việc quyết định đầu tư dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, khẳng định chủ quyền Quốc gia đối với nguồn tài nguyên trên quỹ đạo vệ tinh, đảm bảo yêu cầu về thông tin vệ tinh phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai... Nhưng vì chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch trong dự án được phê duyệt, cả hai dự án này đều lỗ.

Cụ thể, thực tế khai thác vệ tinh Vinasat I từ 2008 – 2011 đã lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, vượt dự kiến 329 tỷ đồng. Mặc dù đã rút kinh nghiệm, song hiệu quả kinh tế dự kiến với mức độ khai thác thực tế của Vinasat II vẫn lỗ khoảng 62 - 130 triệu USD. TTCP cảnh báo, trường hợp xấu có thể bị lỗ hơn 200 triệu USD. Như vậy, dự án đầu tư không sinh lời mà phải bù lỗ.

Trong việc đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp ngoài VNPT (chủ yếu là các đơn vị hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính – viễn thông): đến cuối năm 2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận với tỷ suất bình quân 15,64%; 28 doanh nghiệp với giá trị đầu tư 196 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được thấp và 20 doanh nghiệp khác và quỹ với giá trị đầu tư 723,8 tỷ đồng trong thời gian dài (từ 3 đến 5 năm) không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.

Về quản lý sử dụng đất đai, TTCP xác định việc phân chia đất sử dụng cho các đơn vị thuộc VNPT chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất; còn gần 300.000 m2 chưa sử dụng; một số đơn vị không chấp hành đúng trình tự thủ tục xây dựng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm ki - ốt, sân tennis như: Cty cổ phần Vật tư Bưu điện, VNPT TPHCM, Xí nghiệp In tem Bưu điện…

Ngoài việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại công ty mẹ và đơn vị thành viên, khắc phục tồn tại vi phạm, TTCP kiến nghị các cơ quan chức năng và VNPT thu hồi Ngân sách Nhà nước các khoản về thuế chưa thực hiện đúng quy định với trị giá 105 tỷ đồng; xem xét, xử lý 4.907 tỷ đồng.

Trong đó, có 1.100 tỷ đồng trích quỹ khen thưởng phúc lợi vượt mức (năm 2007 và 2009); các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng tại Cty VTI với số tiền gần 46 triệu USD, 496 tỷ đồng các đơn vị chưa nộp Quỹ Viễn thông công ích…

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 5801/VPCP – V.I thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý sau thanh tra tại VNPT. Đồng ý với kiến nghị của TTCP, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT và VNPT tổ chức chỉ đạo xử lý về tài chính; kiểm điểm, xử lý đơn vị cá nhân liên quan đến sai phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 9/2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.