Sếp Quốc Cường Gia Lai: 'Thấy tài sản ra đi mà không cứu được'

Sếp Quốc Cường Gia Lai: 'Thấy tài sản ra đi mà không cứu được'
“Mỗi tháng, công ty phải trả vài căn hộ tiền lãi vay, thấy tài sản ra đi mà không cứu được”, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) kể về những khó khăn hiện tại.

Sếp Quốc Cường Gia Lai: 'Thấy tài sản ra đi mà không cứu được'

> Vì đâu Cty nhà 'Cường đô la' gặp hạn?

> DN nhà Cường đô la đối mặt hàng chục vụ kiện 

“Mỗi tháng, công ty phải trả vài căn hộ tiền lãi vay, thấy tài sản ra đi mà không cứu được”, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) kể về những khó khăn hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Như Loan đang đau đầu với tình hình bất động sản và kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Vneconomy
Bà Nguyễn Thị Như Loan đang đau đầu với tình hình bất động sản và kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Vneconomy.
 

- Tòa án quận 3, TP HCM ra phán quyết sơ thẩm tuyên Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường (QCN) phải trả cho nguyên đơn 258 triệu đồng tiền chậm giao căn hộ tại chung cư Quốc Cường Gia Lai ở quận 7. Bà có suy nghĩ gì?

- Hôm 27/6, QCN đã đi kháng án lên tòa phúc thẩm về vụ việc trên. Do vốn điều lệ có 50 tỷ đồng, QCN phải có thời gian làm hồ sơ thế chấp để vay vốn xây bất động sản. Sau khi có Nghị định 13 của Chính phủ, chúng tôi mới có thể tiếp tục vay để hoàn thiện căn hộ. Trong thời gian ngưng trệ đó thì vật tư tăng giá, thép tăng từ 10.000 đồng một kg lên 20.000 đồng một kg, nhiều lần QCN họp nhà đầu tư xin tăng giá nhưng khách hàng không chịu. Tuy nhiên, mình vẫn phải bảo đảm uy tín của doanh nghiệp, thôi thì công ty con cũng như công ty mẹ.

Chúng tôi khi đó đã họp Hội đồng Quản trị và quyết định cứ đi vay để hoàn thiện công trình, để bàn giao cho khách hàng. Cuối cùng đã trả nhà xong cho khách hàng ở, mình thở phào nhẹ nhõm rồi, nhưng nhận nhà hai năm rồi vẫn có người đi kiện đòi trả lãi.

Doanh nghiệp làm thì lỗ, vì phải bù giá vật tư tăng lên gấp đôi so với lúc ký hợp đồng, riêng lỗ từ lãi vay là hơn 20 tỷ đồng. Vốn điều lệ có 40 tỷ đồng, giờ vốn cũng không còn bao nhiêu.

QCN tuy gần hết vốn, nhưng tôi vẫn để công ty đó tồn tại đi làm sổ đỏ cho khách. Giả như một công ty nào đó vô trách nhiệm, khách hàng đi kiện thì doanh nghiệp đó có thể tuyên bố phá sản.

- Theo bà, vụ kiện nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ như thế nào với các chủ đầu tư bất động sản?

- Đây là một bài học mà những doanh nghiệp nào rơi vào trường hợp như chúng tôi sẽ không dại gì lặp lại, là đi vay vốn để hoàn thành giao nhà đâu. Nếu họ làm vậy cũng chẳng sai, vì khi đã ký hợp đồng góp vốn mà người mua nhà không góp vốn đúng hạn thì doanh nghiệp lấy gì mà xây dựng.

Lý do hợp đồng góp vốn là QCN đã có vốn tự có là đất và khách hàng phải góp vốn thì doanh nghiệp mới có tiền xây dựng, do đó hợp đồng đã ký ghi rất rõ các điều kiện là khách hàng phải góp vốn đúng tiến độ đã ghi trong hợp đồng, nhưng đã có 75% khách hàng không góp vốn. Vậy lỗi này xảy ra đều do số 75% khách hàng không chấp hành đúng tiến độ, đâu phải lỗi của QCN.

Còn không thì mời các cơ quan chức năng vào cuộc xem thử chủ đầu tư nhận tiền của người mua nhà vào mục đích gì. Nếu họ dùng tiền của khách hàng và vay thêm từ ngân hàng để xây nhà thì xử kiểu gì, chủ đầu tư như chúng tôi có sai đâu.

Ngay sau khi báo chí đưa tin về vụ kiện đồi bồi thường 258 triệu đồng nêu trên thì lại có một nhóm người đến tòa chung cư của QCN quay phim, chụp ảnh. Bảo vệ quản lý tòa nhà đã lập biên bản sự việc.

Theo báo cáo từ phía QCN lên cho tôi, nhóm người này có thể muốn kiện QCN về thiết bị vệ sinh và thiết bị nội thất mà họ cho là không đúng với phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, các thiết bị nội thất của chúng tôi không sai với quy định trong phụ lục hợp đồng. Hơn nữa khách hàng nhận nhà ở 2 năm, quá thời hạn bảo hành một năm thì không có lý do gì mà kiện. Thế thì không biết họ quay để làm gì.

Tôi nói ví dụ trên để thấy rằng các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi đang chịu quá nhiều khó khăn, áp lực, như trả lãi vay, trả lương công nhân, trả cho nhà cung cấp...

- Có thông tin cho rằng hiện công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có dự án trước nguy cơ bàn giao chậm, nên đổi cho khách hàng sang dự án khác hoặc đất nền?

- Đúng, đó là dự án 6B của Quốc Cường Gia Lai nằm ở ngã tư Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh, TP.HCM. Dự án này có hai khối nhà với khoảng 300 căn. Quốc Cường Gia Lai đã bán 80% rồi mới dám xây. Trong đó, chỉ có 4% khách hàng đóng tiền đúng tiến độ, còn 96% chưa đóng đúng tiến độ.

Với 4% khách hàng đóng đúng hạn thì chúng tôi đã giải quyết. Hiện Quốc Cường Gia Lai không có tiền mặt vì đang nợ ngân hàng, và cũng khó khăn vì sản phẩm đã xây dựng rồi bán không được. Cụ thể là hai khối nhà của dự án trên chúng tôi đã vay mượn ngân hàng và các cổ đông hơn 200 tỷ đồng bỏ vào hai dự án này, tổng mức xây dựng hiện nay đã có chứng từ thanh toán quyết toán trên số sách là 492 tỷ đồng, tiền đất hơn 80 tỷ đồng và tổng cộng đã hơn 570 tỷ đồng.

Hai khối nhà 30 tầng này đã xây dựng đến giai đoạn cất nóc, hoàn thiện xong phần xây thô bên ngoài, và hoàn thiện đến tầng 16/30 tầng, nhưng chúng tôi đã gửi thư nhiều lần cho khách hàng yêu cầu đóng tiền. Khách hàng vẫn không trả lời thư, không đóng tiền, và vì chỉ có 4% đóng đúng nghĩa vụ, nên Quốc Cường Gia Lai đã vì uy tín công ty cố gắng thương lượng khách hàng để đổi các sản phẩm mà chúng tôi có, là đất nền và những căn hộ của dự án khác.

Điển hình là khu căn hộ Giai Việt ở quận 8 đang xây dựng và đến quý 2/2014 bàn giao nhà. Hiện đã xây đến tầng 27 trong số 30 tầng. Vị trí của Giai Việt đắc địa hơn dự án 6B, giá trị cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn đổi ngang giá tính theo m2.

Những dự án mà Quốc Cường Gia Lai đã cất nóc nhưng có tới 95% khách hàng góp vốn không đúng hạn thì chúng tôi đang phải tính toán cơ cấu lại. Để bán nhà ở xã hội, chúng tôi có chủ trương hạ từ 20 triệu đồng một m2 xuống mức giá bán 12 triệu đồng một m2. Công ty đã xác định là đừng nói chuyện lời lỗ gì nữa, nếu mình bán sớm, thì mình có tiền trả nợ ngân hàng và trả cho khách hàng vi phạm không góp vốn 50%, theo điều khoản hợp đồng đã ký, may còn dư một ít.

Còn nếu không bán thì lãi vay ngân hàng đẻ ra thì mất trắng, và các khách hàng vi phạm cũng không nhận được tiền. Hiện công ty chỉ còn một con đường để chọn như vậy, để cứu các khách hàng vi phạm và bản thân công ty trong bối cảnh khó khăn này.

- Khó khăn có phải là lý do Quốc Cường Gia Lai phải chuyển trụ sở, thưa bà?

- Doanh nghiệp tôi trước cũng không phải lớn lắm, nhưng cũng không phải nhỏ. Khi chúng tôi bán tòa nhà văn phòng cho ngân hàng BIDV thì dọn về tòa nhà AB. Sau khi trang trí xong hết, thấy một tháng trả phí thuê 300 triệu đồng, tương đương 10 triệu đồng/ngày thì chúng tôi chịu không nổi, nên chuyển trụ sở làm việc về đây.

Đây là căn nhà tôi ở, sau đó sửa lại làm văn phòng tạm cho Quốc Cường Gia Lai. Bạn thấy, văn phòng vẫn tùm lum, vẫn chưa có thời gian và kinh phí để sửa sang lại nhưng thôi cũng ráng mà gói gém. Tiền thuê nhà làm văn phòng đã hơn 2 năm rồi và vẫn tiếp tục, tôi cũng không thu một đồng nào.

Ngôi nhà này nếu theo giá thuê thị trường khoảng 5.000 USD một tháng.

Bây giờ đất trung tâm của Quốc Cường Gia Lai có nhiều, nhưng không có tiền xây. Chẳng lẽ vì văn phòng làm việc của công ty lại đi vay để trả lãi là điều không thể. Thôi thì khi nào thị trường tốt lên mình bán được bất động sản, thì Quốc Cường Gia Lai sẽ xây trụ sở và trả nhà lại cho tôi.

- Ban giám đốc Quốc Cường Gia Lai hơi ít người, vừa xong bà tiếp từng khách hàng để giải quyết những vướng mắc, vì sao bà không tuyển thêm nhân sự để gánh bớt công việc?

- Trước đây, công ty mẹ Quốc Cường Gia Lai ít bán hàng, các công ty con mới bán. Một công ty con quản lý một hai dự án, nhưng sau khủng hoảng thị trường bất động sản thì tiền đâu mà trả lương, vì thế phải thanh lọc 80 - 85% nhân sự công ty con.

Bây giờ, mỗi công ty con chỉ duy trì ba người: một giám đốc, một kế toán và một người phụ trách kinh doanh.

Nếu như trả lương ít cho những vị giám đốc ngồi trong bối cảnh khách hàng la mắng họ, chịu áp lực cao thì họ không làm. Trăm dâu đổ lên đầu tôi, nên phải gắng mà làm chứ biết làm sao.

Để giải quyết khó khăn nhân sự, chúng tôi tuyển các em thế hệ trẻ về đào tạo. Giờ các em vẫn còn làm việc (20h), còn tuyển người 3.000 -4.000 USD một tháng thì công ty lấy đâu tiền mà trả lương.

- Vậy ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, con trai bà, có gánh vác nhiều cho công việc của công ty?

- Cường phải đi lo vòng ngoài. Cường không thể chịu nổi áp lực khách hàng la mắng, hoặc nói nặng nói nhẹ. Khi trả lời khách hàng thì phải học thuộc các hợp đồng, biết từng câu chữ để đối đáp, thuyết phục khách hàng,… Việc này, Cường không phù hợp.

Và nếu tôi có đi thuê giám đốc về làm cho Quốc Cường Gia Lai thì họ cũng chưa chắc chịu làm, vì lương mình trả không đủ nhu cầu của họ. Bắt họ suốt ngày bị khách hàng than phiền, họ đau đầu, họ chẳng thà đi làm việc khác. Nên rất khó tuyển người trong giai đoạn này.

Tôi thuê nhiều lắm chứ, nhưng đến đây khoảng 1-2 tuần, gặp chừng 3 khách hàng là họ viết mail, vì ngại không gặp mình, để xin nghỉ luôn với lý không đáp ứng được công việc.

Thời bất động sản thịnh vượng, ai cũng muốn đến đây làm, thậm chí lương ít, cũng năn nỉ qua làm để hưởng “ân huệ” khác. Nói thật, công ty của mình thì ráng mà làm, còn nếu đi làm thuê thì tôi cũng không làm.

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp lớn, rơi vào thời điểm khó khăn, tài sản có nhiều, nhưng dòng tiền tắc, thì dần dần tính chi phí tài chính mỗi ngày tăng lên, lúc đó tài sản có khi không còn của mình nữa...

Đúng. Giờ mỗi ngày, tôi đều thấy tiền ra đi. Mỗi tháng công ty phải trả lãi vay tương đương vài căn hộ, thấy tài sản ra đi mà không cứu được. Mình bất tài thì biết làm sao! Thị trường giờ khó khăn lắm, rất đau đầu. Thôi thì cứ cố gắng, lạy trời cho qua khó khăn này.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG