Việt Nam - TQ mở rộng thăm dò dầu khí chung ở Vịnh Bắc Bộ

Ký Thỏa thuận sửa đổi lần 4 liên quan tới Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung Việt-Trung trong khu vực thỏa thuận trong Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ký Thỏa thuận sửa đổi lần 4 liên quan tới Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung Việt-Trung trong khu vực thỏa thuận trong Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác.

> Việt-Trung: Nhất trí giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông

Đây là những văn kiện quan trọng nhằm tạo bước đột phá và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Ký Thỏa thuận sửa đổi lần 4 liên quan tới Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung Việt-Trung trong khu vực thỏa thuận trong Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ký Thỏa thuận sửa đổi lần 4 liên quan tới Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung Việt-Trung trong khu vực thỏa thuận trong Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN).

Đáng chú ý nhất trong các văn kiện này là việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam-PVN) và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, là tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.

Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam-Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.

Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam-Trung Quốc trong Khu vực xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn.

Trong thời gian qua, hai bên đã cùng nhau tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong Khu vực xác định của Thỏa thuận, gồm: Khảo sát địa chấn 3D; Khoan 1 giếng tìm kiếm thăm dò dầu khí; và Nghiên cứu, minh giải tài liệu, đánh giá tiềm năng dầu khí. Thỏa thuận Thăm dò chung này đã được các cấp có thẩm quyền của hai nước cho phép sửa đổi 3 lần về thời hạn để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.

Trong hơn 6 năm qua, tuy chưa có phát hiện dầu khí thương mại nhưng hai bên đã thu thập được những thông tin quan trọng về tiềm năng dầu khí tại khu vực làm cơ sở cho việc mở rộng khu vực xác định của Thỏa thuận thăm dò chung, đồng thời đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác tốt giữa hai bên.

Việt Nam - TQ mở rộng thăm dò dầu khí chung ở Vịnh Bắc Bộ ảnh 2

Với mục đích gia tăng cơ hội phát hiện các đối tượng có tiềm năng dầu khí nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, sau khi được các cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19/6/2013, Petrovietnam và CNOOC đã ký kết Thỏa thuận sửa đổi lần 4 Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam-Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ với nội dung: mở rộng Khu vực Xác định từ 1.541km2 lên thành 4.076km2, bao gồm 2 phần tương đương nhau từ mỗi bên (xem sơ đồ); và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò chung đến hết năm 2016.

Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam-Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ do hai bên cùng điều hành, với chi phí hoạt động được chia đều cho mỗi bên. Trong trường hợp có phát hiện dầu khí thương mai tại Khu vực xác định, hai bên sẽ cùng nhau xem xét, thảo luận để chuyển sang giai đoạn hợp tác khai thác chung phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế và luật pháp của mỗi nước với phương châm tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mỗi nước trong khu vực Vịnh Bắc Bộ và đảm bảo lợi ích của hai bên.

Nhân dịp này, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn phóng viên đi theo đoàn xung quanh nội dung thỏa thuận này.

- Xin ông cho biết nội dung bản Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 về hợp tác giữa PVN và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc?

Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và CNOOC được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần và lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.

Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên Vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng thăm dò và cùng khai thác khi phát hiện có dầu khí. Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.

Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai Tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí thì 2 bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác.

- Liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hậu: Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong Vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.

- Vậy thỏa thuận này có gì khác so với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác?

Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.

- Ý nghĩa của thỏa thuận lần này là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hậu: Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và CNOOC. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhà nước nói chung. Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia thì hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó không tôn trọng chủ quyền của nhau thì chúng tôi sẽ phản đối.

Theo TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.